Cựu thứ trưởng Trần Việt Tân tại TAND Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Sáng 28/1, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") cùng các bị cáo Bùi Văn Thành (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Trần Việt Tân (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, tức Tổng cục V, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng) về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Tòa làm chủ tọa, dự kiến diễn ra trong ba ngày, 28-30/1. An ninh được thắt chặt với ba lớp bảo vệ. Hàng rào sắt được dựng quanh khu vực cổng TAND Hà Nội, cách tường bao gần 3m.
8h39, chủ tọa công bố khai mạc phiên xét xử. Tại khu vực dành cho các bị cáo, Vũ "Nhôm" ngồi một mình trên hàng ghế đầu, phía sau là bị cáo Bách, Tuấn. Hai cựu thứ trưởng Thành và Tân ngồi hàng ghế cuối.
Sau phần thủ tục chừng 20 phút, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
Cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành. Ảnh: Phạm Dự |
Đây là lần thứ ba Vũ "Nhôm" hầu tòa và lần thứ hai bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND Hà Nội. Năm 2018, Vũ "Nhôm" bị TAND Cấp cao phạt 8 năm tù vì cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Cũng trong vụ án này, Phan Hữu Tuấn bị phạt 7 năm tù, Nguyễn Hữu Bách nhận án 6 năm tù về cùng tội danh.
Cuối năm 2018, trong vụ án liên quan sai phạm tại Ngân hàng Đông Á, Vũ "Nhôm" nhận án 17 năm tù với cáo buộc phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tại vụ án xét xử hôm nay, cáo trạng xác định Vũ "Nhôm" được tuyển dụng vào ngành công an làm nhân viên tình báo. Mọi hoạt động nghiệp vụ của anh ta chỉ có ông Trần Việt Tân, Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn biết và trực tiếp chỉ đạo.
Hai công ty do Vũ lập và làm chủ trước đó là Bắc Nam 79 (Đà Nẵng), Nova Bắc Nam 79 (TP HCM) được sử dụng làm tổ chức bình phong của công an. Tổng cục V không đầu tư, góp vốn vào hai doanh nghiệp này, mọi hoạt động vẫn do Vũ trực tiếp điều hành.
Cáo trạng quy buộc, Vũ "Nhôm" đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bảy dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và TP HCM trái quy định của pháp luật.
Năm bị cáo tại phiên khai mạc sáng 28/1. Ảnh chụp qua màn hình |
Cụ thể, từ năm 2009 đến 2016, căn cứ đề xuất của Vũ "Nhôm", Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình Bộ Công an thông qua nhiều văn bản, đề nghị UBND TP HCM, Đà Nẵng cho công ty bình phong được nhận quyền sử dụng 7 khu đất công sản, dự án bất động sản với tổng diện tích 6.700 m2 nhà và 26.800 m2 đất, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng có 4 địa chỉ: 319 Lê Duẩn (quận Thanh Khê, rộng 800 m2); gần 4.000 m2 nhà đất tại 16 Bạch Đằng (quận Hải Châu); 3.260 m2 trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà); khu đất hơn 15.500 m2 thuộc dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn).
Ở TP HCM là gần 5.000 m2 tại 15 Thi Sách, gần 1.300 m2 tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1) và khu nhà đất số 129 Pasteur (quận 3) rộng hơn 3.700 m2.
Nhà chức trách xác định ngay sau khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản tại những lô đất trên, Vũ "Nhôm" đã chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an mà nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng kết luận, hành vi nêu trên của Vũ "Nhôm" đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt 10-15 năm tù.
Quá trình điều tra, ban đầu Vũ "Nhôm" thừa nhận hành vi phạm tội và có đơn xin giao nộp bảy tài sản do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả, song sau đó thay đổi lời khai và còn có đơn xin không giao nộp.
Trong 5 bị cáo có ba người bị tạm giam, hai cựu thứ trưởng Bộ Công an được tại ngoại. Ảnh: Giang Huy |
Tướng công an giúp Vũ "Nhôm" thâu tóm đất đai thế nào?
Nhà chức trách cáo buộc, năm 2014-2018, ông Bùi Văn Thành là Thứ trưởng Bộ Công an, được giao nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Hậu cần (Tổng cục IV) - đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý các nhà đất công sản của Bộ Công an.
Tuy không phụ trách Tổng cục V nhưng ngày 28/5/2015 (trên cơ sở Tờ trình của Phan Văn Anh Vũ và báo cáo đề xuất của Phan Hữu Tuấn), ông Thành đã ký tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà đất tại số 129 Pasteur (TP HCM) cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành công an.
Năm tháng sau, cựu thứ trưởng Thành lại ký Công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính TP HCM trình Hội đồng thẩm định giá nhà đất thành phố và UBND địa phương này phê duyệt giá bán bất động sản trên là hơn 300 tỷ đồng không đúng chức năng và thẩm quyền theo quy định.
Tổng cục IV, Bộ Công an có văn bản báo cáo Bùi Văn Thành về việc công ty thẩm định giá xác định nhà, đất tại số 129 Pasteur chỉ còn 294 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Thành đã không làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo Tổng cục IV làm rõ lý do giảm giá.
Ông Thành cũng không chỉ đạo Tổng cục IV có văn bản thông báo để Tổng cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh. Khi Vũ "Nhôm" chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài, ông Thành không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn. Việc làm của ông bị cáo buộc gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với gần 223 tỷ đồng.
Tương tự, trong khoảng thời gian 2009-2016, Trần Việt Tân là Tổng cục trưởng Tổng cục V sau đó là Thứ trưởng Bộ Công an, được giao trực tiếp phụ trách Tổng cục V.
Sau khi được các cán bộ dưới quyền tham mưu, đề xuất, thứ trưởng Tân đã ký phát hành bảy văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an. Đó là khu nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng); Nhà, đất tại số 15 Thi Sách (TP HCM) và nhà, đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (TP HCM).
Sau khi ký các văn bản liên quan đến ba dự án nêu trên, ông Tân bị cho rằng đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục V; không kiểm tra, giám sát chặt chẽ; dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Vũ "Nhôm".
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ tùy thân của ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM. Ảnh: Phạm Dự |
Trong khi đó, Vũ "Nhôm" lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản của Bộ Công an, của Tổng cục V để được thuê các nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng và TP HCM theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách Nhà nước với hơn 1.150 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng nhận định đây là vụ án tham nhũng rất nghiêm trọng xảy ra trong ngành công an, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Các bị can hầu hết là những người có chức vụ cao, quan trọng trong ngành công an nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và truyền thống tốt đẹp của ngành mà còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao giúp sức tích cực cho Vũ "Nhôm" hoặc thiếu trách nhiệm để anh ta lợi dụng tổ chức bình phong làm công cụ để thâu tóm các dự án nhà, đất công sản, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
"Hành vi phạm tội của các bị can gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật", bản cáo trạng nhấn mạnh.