Trong đơn kháng cáo, ông Phạm Trung Cang đề nghị TAND Tối cao xem xét lại việc bị cấp sơ thẩm kết tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, án phạt 3 năm tù.
Qua đơn kháng cáo dài hai trang, cựu phó chủ tịch ACB cho hay HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 có cuộc họp ra chủ trương cho phép ủy thác nhân viên gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. 7 tháng sau đó, ông từ nhiệm để sang làm việc tại Eximbank. Từ ngày 1/1/2011 trở đi, ông Cang không còn chịu trách nhiệm về những hoạt động diễn ra tại ACB. Trong khi đó, theo cáo trạng, 19 nhân viên của ACB đi gửi tiền tại Vietinbank xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2011.
Do vậy, ông Cang cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về việc gửi tiền bị quy kết là trái pháp luật trên. Về việc ký chủ trương cấp hạn mức đầu tư 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu có giá tốt trên thị trường theo cáo buộc là trái luật, ông Cang cho rằng là chỉ đạo bình thường của Thường trực HĐQT đối với hoạt động ngân hàng. Bị cáo này nói hoàn toàn không có chủ trương cấp tín dụng để mua cổ phiếu của ACB. Theo ông Cang, việc thực hiện sai chủ trương đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và những người khác chịu trách nhiệm.
Khác với ông Cang, ông Lê Vũ Kỳ (bị tuyên 5 năm tù) chống án xin giảm nhẹ hình phạt; mong cấp phúc thẩm chiếu cố hoàn cảnh tuổi cao, sức khoẻ yếu, bệnh tật để mở lượng khoan hồng.
Ông Kỳ nêu trong đơn, qua phiên sơ thẩm, ông đã nhận thức rõ các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng ACB. Song ông cho rằng mình hoàn toàn thụ động trong việc ban hành các Nghị quyết của Thường trực HĐQT.
Về nghiệp vụ quản lý kinh tế, ông Kỳ cho rằng bản thân có hạn chế vì chưa có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo, học các kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin. Điều này đã dẫn đến sai phạm khi bị cáo đồng ý với chủ trương đầu tư cổ phiếu và ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, bị tuyên phạt 30 năm tù) cũng đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm các tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo, Cố ý làm trái như cáo buộc của cấp sơ thẩm.
Ba sếp còn lại của ACB là cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, cựu phó chủ tịch HĐQT Trịnh Kim Quang và cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn cũng có đơn chống án.
Hiện, tất cả 6 cựu lãnh đạo ACB bị kết tội trong vụ án Bầu Kiên đã kháng cáo. Hai người còn lại là nhân viên của ông Kiên tại Công ty ACBI, bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc ACBI) án 5 năm 6 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đồng phạm Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) án 5 năm, toà Hà Nội chưa ghi nhận họ có đơn chống án.
Ngày 9/6, bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội xác định từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2008, bị cáo Kiên thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái quy định với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng. Cũng thông qua một trong các công ty này, ông Kiên đã trốn thuế hơn 25 tỷ đồng trong thương vụ kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ngân hàng ACB. Ông Kiên bị cáo buộc lừa đảo bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát, chiếm đoạt 264 tỷ đồng. Tòa kết luận, bị cáo Kiên còn cùng cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt. Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, các sếp của ACB còn bị cáo buộc đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng. |
Mai Chi