Ngày 26/6, hai nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng là các ông Hồ Việt (giai đoạn 1989-1993) và ông Hoàng Tú (giai đoạn 1978-1989) xác nhận đã cùng nhiều cán bộ trung, cao cấp ký vào thư kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Theo đó, các cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại Đà Nẵng bày tỏ hiểu rõ tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; hiểu rõ vị trí chiến lược về quốc phòng đặc biệt của Sơn Trà, trước khi nơi đây được biết đến là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
"Chúng ta không thiếu nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng có chất lượng cao để trở thành nổi tiếng", nội dung thư thể hiện và mong muốn cấp có thẩm quyền "quan tâm xem xét, hạn chế đến mức thấp nhất những dự án xây dựng để bảo toàn sự nguyên vẹn hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà".
Nhấn mạnh quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, ông Hồ Việt cho rằng Đà Nẵng chưa cần nhiều khách sạn đến mức phải xây thêm những khu lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. "Khách sạn trong thành phố còn vắng khách thì việc gì phải đưa lên Sơn Trà xây dựng", ông nói và cho rằng những người khai thác đầu tư du lịch ở Sơn Trà chỉ là muốn kinh doanh đất chứ "không phải làm gì khác".
Nguyên chủ tịch Đà Nẵng cũng cho biết, mấu chốt cho vấn đề Sơn Trà ở thời điểm hiện nay không hẳn ở bản quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Chính phủ phê duyệt cuối năm 2016, mà là quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại đất rừng giai đoạn 2008-2020 do UBND Đà Nẵng ký ngày 20/9/2008.
Theo quyết định này của Đà Nẵng, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ 4.439 ha giảm xuống còn 2.591,1 ha. Đà Nẵng đã chuyển mục đích sử dụng hơn 1.800ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang các loại đất khác, đồng nghĩa với việc tác động vào 41% diện tích rừng. Đây là cơ sở cho việc cấp phép các dự án du lịch.
"Nhưng lúc đó ít dự án triển khai. Gần đây khi một công ty xây khu nghỉ dưỡng chặt phá rừng, làm cho Sơn Trà nham nhở đã thu hút sự quan tâm của mọi người", ông Việt nói thêm.
Lý giải về việc khi Đà Nẵng chuyển mục đích hơn 1.800ha đất rừng Sơn Trà khá "êm ả", ông Việt cho biết lúc đó không có nhiều thông tin về quy hoạch về Sơn Trà như bây giờ.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.439 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Từ trước năm 2013, Đà Nẵng đã cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600. Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng. Chiều 28/5/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hoá và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch. |
Nguyễn Đông