VNExpress

Thứ năm, 21/11/2024
Chọn địa danh
Thứ năm, 22/10/2020, 14:05 (GMT+7)

Hai cung đường núi tựa cổ tích

Yên BáiKhông chỉ được mệnh danh là thiên đường mây, huyện Trạm Tấu còn là nơi tọa lạc "vương quốc rêu" Tà Xùa và đồi hoa chi pâu Tà Chì Nhù.

Biển mây Tà Chì Nhù
 
 

Tà Chì Nhù (bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) với độ cao 2.979 m, xếp thứ 7 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, được coi là nóc nhà của tỉnh Yên Bái. Cung đường chinh phục Tà Chì Nhù dài khoảng 18 km hầu như đều là dốc. Nơi đây là một trong những điểm săn mây lý tưởng ở vùng núi phía Bắc, thu hút nhiều du khách ưa leo núi, trong đó có anh Vũ Ngọc Trường (1991).

Những ngày cuối thu, đường lên Tà Chì Nhù phủ đầy sắc tím của hoa chi pâu. Đó là một trong những lý do khiến anh kỹ sư xây dựng xách ba lô lên đi chinh phục đỉnh núi.

"Chi pâu" trong tiếng của người Mông địa phương nghĩa là "không biết, không hiểu". Cứ độ cuối tháng 10 đến khoảng một tháng sau, hoa nở rộ ven sườn núi, mang sắc tím đậm nhạt tùy thời điểm trong ngày.

Khoảng 16h ngày thứ hai trong hành trình, tại lán nghỉ qua đêm ở độ cao xấp xỉ 2.400 m, đoàn leo núi đã được ngắm biển mây dày đặc. Xuất phát từ Hà Nội, anh Vũ Ngọc Trường cùng nhóm bạn mất 3 ngày để hoàn thành chuyến đi. Trong đó, thời gian leo bộ lên và xuống núi tổng cộng khoảng 16 giờ, theo thời gian thực tế của anh Trường.

8h ngày thứ ba, anh Trường có mặt ở đỉnh Tà Chì Nhù. Sau khi chụp ảnh check-in với chóp mốc tọa độ, các thành viên trong nhóm tự do tìm những vị trí ưng ý để chụp cùng biển mây trên không.

Trên con đường mòn qua núi Tà Chì Nhù, thi thoảng thấp thoáng bóng dáng đàn ngựa, đàn dê của người địa phương nhẩn nha gặm cỏ bên đồi hoa, như trong truyện cổ tích, anh Trường miêu tả.

Sau những áp lực của nghề xây dựng khá bận rộn và đầy tính công nghiệp, anh Trường đặc biệt thích thú khi được đặt chân đến những khung cảnh thiên nhiên, nơi không khí trong lành, đậm sắc văn hóa địa phương.

Núi Tà Xùa nằm giữa tỉnh Sơn La và Yên Bái. Cung đường lên đỉnh núi cao 2.865 m này xuất phát ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Theo đánh giá của anh Ngọc Trường, nếu Tà Chì Nhù không quá khó để thong thả leo bộ ngắm cảnh, thì Tà Xùa lại thử thách sức bền và tinh thần của du khách.

Đoạn khó nhất trong chuyến đi là vượt qua khoảng 7 km trên "sống lưng khủng long". Đường xuống lối mòn dựng đứng, may mắn người địa phương đã làm dây thép để bám. "Một số đoạn trên đường mòn sống lưng nguy hiểm thót tim vì gió lốc thổi mạnh, hai bên là vực thẳm", anh Trường kể.

Lối mòn trên núi dẫn du khách đến rừng cổ thụ phủ đầy rêu xanh. Khung cảnh huyền bí này là điểm check-in ưa thích của các nhà leo núi, và cũng là nơi tọa lạc chóp ghi mốc cao nhất của Tà Xùa.

Đoạn đường giữa lán dừng nghỉ với đỉnh Tà Xùa, bạn có thể nhờ porter (người vận chuyển và dẫn đường) chỉ lối ra mỏm đá hình đầu con rùa, điểm check-in nổi tiếng của các vị khách từng chinh phục cung đường này. Thời gian chinh phục Tà Xùa tương đương chuyến Tà Chì Nhù, nếu xuất phát từ Hà Nội.

Từ Hà Nội, bạn có thể tự túc đi xe khách đến Nghĩa Lộ (Yên Bái), giá vé 150.000 - 200.000 đồng/lượt. Khi đến Nghĩa Lộ, bạn đi đến Trạm Tấu bằng taxi (350.000 đồng/lượt) hoặc xe ôm (khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lượt). Từ trung tâm huyện, bạn chọn hướng đi vào xã Xà Hồ để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, hoặc vào xã Bản Công để vượt đỉnh Tà Xùa.

Thời điểm lý tưởng để ngắm Tà Xùa và Tà Chì Nhù là vào mùa đông và mùa xuân (tháng 11 - tháng 4).

Ảnh: NVCC

Tâm Linh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net