Ngày 3/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thông tin, kết hợp nhiều nguồn tư liệu cho thấy Đông thành Thủy Quan gồm 15 pháo môn, trong đó 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cổng và 2 pháo môn - cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành.
Hai pháo môn ở hai bên Đông thành Thủy Quan từng được linh mục Cadière gọi tên là cửa tả và cửa hữu, đánh dấu số 121 trên bản đồ kinh thành Huế.
13 pháo môn (dạng lỗ tròn) trên lan can của cầu Lương Y kết hợp với hai pháo môn hai bên Đông thành Thủy Quan đã tạo thành lá chắn phòng thủ khá chắc chắn cho một phần khu vực Đông Bắc kinh thành Huế.
Trước đó, người dân sống trên di tích Thượng Thành (kinh thành Huế) tự tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho chính quyền, nên đã phát lộ một cổng thành dạng vòm cao 108 cm, rộng 85 cm ở bên trái Đông thành Thủy Quan.
Một chiếc cổng có kiến trúc tương tự cũng được phát hiện ở bên phải Đông thành Thủy Quan, cách cổng thứ nhất khoảng 80 m. Chiếc cổng này bị bịt kín bởi lớp mái che xi măng do người dân xây dựng lên.
Thực địa hai cánh cổng nêu trên, ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng hai cổng thành này là lối ra vào của vệ binh triều Nguyễn nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào Đông thành Thủy Quan.
Võ Thạnh