Một trong hai doanh nghiệp này, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, nằm trong danh sách tài sản kê biên giai đoạn hai vụ án Vạn Thịnh Phát. Công ty này có 82% vốn góp, giá trị khoảng 492 tỷ đồng, do bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho 5 cá nhân và hai công ty đứng tên.
Sự trùng hợp về tên gọi khiến công ty còn lại trên thị trường, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, phải lên tiếng. Thành viên của FWD Group - tập đoàn bảo hiểm tại châu Á có hơn 10 triệu khách hàng tại 10 thị trường khác nhau khẳng định "hoạt động hoàn toàn độc lập" với công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, dù cùng có cụm từ "FWD Việt Nam" trong tên gọi.
Vấn đề "chung tên nhưng khác chủ" giữa hai doanh nghiệp bảo hiểm này xuất phát từ một thương vụ thâu tóm vào đầu năm 2022.
Công ty bảo hiểm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tiền thân là Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI), liên doanh giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. Tháng 4/2020, công ty này được FWD Group mua lại và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam. Khi đó, thị trường ghi nhận hai công ty có chung tên gọi "FWD Việt Nam", cùng do FWD Group sở hữu.
Hoạt động trong cùng mảng bảo hiểm nhân thọ, thương vụ thâu tóm được kỳ vọng là bước đệm để FWD Group mở rộng hoạt động nhanh hơn tại thị trường Việt Nam. M&A cũng là cách thức tập đoàn này tiến vào thị trường, khi mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam năm 2016. Giới phân tích khi đó cũng dự báo hai doanh nghiệp này có thể sớm sáp nhập.
Tuy nhiên, chưa tới hai năm sau, doanh nghiệp vừa được mua lại đã đổi chủ.
Giữa tháng 3/2022, công ty này thông báo Bộ Tài chính đã chấp thuận về mặt nguyên tắc chuyển quyền sở hữu 100% vốn điều lệ sang một nhóm các nhà đầu tư mới. Một tuần sau đó, việc thanh toán hoàn tất.
Trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết mối quan hệ "công ty con cùng tập đoàn" với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam - công ty thành viên của FWD Group - chấm dứt từ cuối tháng 3/2022.
Theo đó, từ giữa năm 2022, hai công ty cùng chung phần tên gọi "FWD Việt Nam" hoạt động trên thị trường bảo hiểm, nhưng thuộc về hai chủ sở hữu khác nhau.
Cũng theo báo cáo này, bên mua là một nhóm 11 nhà đầu tư, với mỗi nhà đầu tư sở hữu không quá 10% cổ phần. Đại diện nhóm này là Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI). TVSI là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông và là doanh nghiệp có liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.
Nhưng khác với thương vụ thâu tóm của FWD thực hiện năm 2020, việc điều chỉnh giấy phép hoạt động và đổi tên chủ sở hữu mới chưa được thực hiện sau khi hoàn tất thâu tóm.
Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết đã nộp báo cáo hoàn tất giao dịch cho Bộ Tài chính từ 4/4/2022. Nhưng tính đến cuối tháng 3/2024, tức gần hai năm, việc thay đổi chủ sở hữu và điều chỉnh giấy phép thành lập vẫn chưa được phê duyệt. Điều này cũng là lý do dẫn tới thực trạng "chung tên nhưng khác chủ".
Hai lần đổi chủ chỉ trong hai năm, hoạt động mảng bảo hiểm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đến nay ngày càng thu hẹp, một phần cũng do khó khăn của kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ở chiều ngược lại, đóng góp của doanh thu tài chính từ tiền gửi ngân hàng ngày càng tăng.
Năm 2019, trước khi FWD Group thâu tóm, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm đem về gần 600 tỷ đồng. Đến năm 2023, mảng kinh doanh cốt lõi này mang về doanh thu chỉ hơn 230 tỷ, giảm hơn 60%.
Lãi ròng năm 2023 của công ty bảo hiểm trong nhóm Vạn Thịnh Phát đạt hơn 69 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2022 nhưng thấp hơn mức 85-90 tỷ đồng giai đoạn 2020-2021.
So với công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam có quy mô lớn hơn. Thành viên thuộc FWD Group ghi nhận tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023, với vốn chủ sở hữu hơn 19.100 tỷ.
2023 là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận, đạt gần 880 tỷ đồng, sau chuỗi thua lỗ liên tiếp từ khi tham gia thị trường Việt Nam năm 2016 đến năm 2022. Tới cuối năm 2023, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam còn lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng.
Minh Sơn