Hành khách trên tàu quan sát cá voi của công ty du lịch Gojiraiwa Kanko bắt gặp đôi cá voi sát thủ trắng quý hiếm bơi sát nhau ở ngoài khơi thị trấn Rausu, Hokkaido, hôm 24/7. "Đó là ngày tuyệt vời nhất từ trước tới nay. Đây là lần đầu tiên hai con cá voi sát thủ trắng cùng được bắt gặp ở ngoài khơi Nhật Bản", Mai, nhân viên tại Gojiraiwa Kanko, chia sẻ.
Màu da khác thường có thể do albinism (bạch tạng) hoặc leucism (nửa bạch tạng hay bạch thể). Bạch tạng ở cá voi sát thủ là kết quả của giao phối cận huyết, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cá voi sát thủ. Trong khi đó, bạch thể là kết quả của một đột biến gene ngẫu nhiên và dường như cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.
"Màu kem đồng nhất ở đôi cá voi sát thủ là biểu hiện của bạch tạng", nhà nghiên cứu cá voi Erich Hoyt cho biết. Tuy nhiên, cách duy nhất để khẳng định chắc chắn là quan sát mắt. Nếu mắt màu hồng thì có nghĩa là chúng bị bạch tạng.
Với màu da trắng, vết trầy xước trên mình cá voi sát thủ trở nên rất dễ thấy. Những dấu tích này do răng của đồng loại gây ra, thường với mục đích chơi đùa chứ không phải thực sự gây chiến. "Cá voi sát thủ đen cũng có vết trầy nhưng bạn không thể nhìn rõ", Hoyt giải thích. Tuy nhiên, ông cũng nhận xét cá voi sát thủ trong ảnh chụp mới có số lượng vết xước đặc biệt lớn.
Giới khoa học không rõ chính xác có bao nhiêu cá voi sát thủ trắng trên thế giới, nhưng một số quần thể có nhiều con màu trắng hơn bình thường. "Khoảng một trong 1.000 cá voi sát thủ ở phía tây Bắc Thái Bình Dương màu trắng. Đây có lẽ là tỷ lệ cao nhất thế giới", Hoyt cho biết.
Cá voi sát thủ Bắc Thái Bình Dương chủ yếu được bắt gặp ở vùng biển thuộc Nga, nhưng một số con cũng chỉ lưu lại đó trong thời gian ngắn. Điều này nghĩa là chúng có thể đã bơi đến phía bắc Nhật Bản. "Nhưng chúng tôi không chắc chắn", Hoyt nói.
Thu Thảo (Theo Live Science)