Thứ hai, 23/12/2024
Thứ sáu, 7/10/2022, 02:00 (GMT+7)

Hai chung cư cũ nát ở Hà Nội được xây mới

Hà NộiVới sự đồng thuận 100% từ người dân, hai khu tập thể Hóa chất và Rau quả nông sản sẽ được phá dỡ, xây mới từ quý III/2023.

Khu tập thể Hóa chất và Rau quả nông sản nằm ở số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Năm 1988, người dân bắt đầu chuyển về sống tại dãy tập thể Hóa chất, hai năm sau tới lượt tập thể Rau quả nông sản. Xen giữa hai tòa nhà là khoảng sân rộng đang được trưng dụng làm chỗ trông ôtô.

Gắn bó với tập thể có tuổi đời hơn 30 năm, 100% các hộ dân sống hai khu đều mong muốn phá dỡ để cải tạo, xây dựng chung cư mới.

Nằm phía trong là khu tập thể Rau quả nông sản được xây 5 tầng, với 40 hộ dân và gần 200 nhân khẩu.

Ông Vũ Đình Khang, Trưởng ban quản trị tòa nhà, cho biết do được xây dựng chủ yếu là vôi vữa, ít xi măng, chịu lực chính bằng tường nên hiện khu tập thể đã xuống cấp, có tình trạng thấm dột khi những ống nước bằng sứ đều nứt vỡ.

Gạch chống nóng trên mái nhà bong tróc, bị cày xới để lắp đặt các thiết bị như điều hòa, dây cáp, ống nước...

Ông Nguyễn Sỹ Hoàn, 57 tuổi, ở phòng 105, chuyển tới khu tập thể Rau quả nông sản sống từ năm 1990, thuộc lớp những người đầu tiên ở khu tập thể này. Nhiều năm gần đây căn phòng xuống cấp, mưa dột khiến mốc loang khắp trần phòng trong và ngoài dù hàng năm vẫn làm mới để tránh rêu mốc.

Theo ông, ngôi nhà hiện chưa quá nguy cấp so với nhiều nhà tập thể khác, nhưng nếu thành phố, chủ đầu tư thống nhất được với dân thì ông mong tỷ lệ đề bù là 1,8 (một m2 đang ở sau khi xây xong người dân phải được nhận từ 1,8 m2).

Mở cửa sổ để đón ánh nắng từ ngoài vào cho ngôi nhà đỡ ẩm ướt, bà Nguyễn Thị Huyền, 64 tuổi, ở tầng 5 tập thể, cho biết năm 2008 đã ký vào đơn đồng thuận cải tạo xây mới ngôi nhà. Trước đó vài năm phần mái nhà chống thấm kém đi nên cứ mưa là dột.

"Đi ra khỏi nhà là phải cuộn hết đồ dùng sinh hoạt để lên cao, chậu nhựa, xoong nồi đặt khắp nơi trong nhà để nếu có mưa thì nhà không bị lênh láng nước", bà Huyền nói, cho biết những mảng tường bong tróc theo thời gian đang mở rộng diện tích.

Phần lan can cầu thang bên ngoài nứt dài, người dân không dám bám vì sợ vữa của tường rơi xuống. "Chỉ cần rung lắc là lan can có thể đổ xuống", ông Khang nói, cho hay cuối tuần này, tất cả các hộ dân sẽ làm việc với chính quyền địa phương. Về cơ bản các hộ đều đồng thuận xây mới, và quan trọng nhất là hệ số đền bù cũng gần xong. Theo ông, công ty xây dựng gợi ý chi cho mỗi hộ 6 triệu đồng để thuê nhà trong suốt quá trình đập đi xây mới, việc này có thể kéo dài 3 năm.

Phần tường hai bên cầu thang của tập thể Hóa chất bong tróc, phủ rêu mốc theo thời gian. Khu này hiện là nơi ở của 30 hộ dân.

Giống như nhà tập thể Rau quả nông sản, khu tập thể này cũng chịu cảnh thấm dột khi trời mưa. Sống trên tầng 5, bà Nguyễn Thu Hường, 43 tuổi, cảm nhận rõ nhất sự xuống cấp. Để tránh nước mưa tràn vào nhà, bà phải căng bạt ở phần trần, sau đó chọc hai lỗ nhỏ để nước mưa chảy xuống. Nhiều hôm mưa to, tấm bạt hứng nước căng như muốn trút xuống. Tường ngấm, nhiều hôm điện hở giật tê tay.

Phía dưới sàn nhà, bà Hường tận dụng mọi quần áo cũ để thấm nước, dù mưa hay nắng đều để sẵn chậu hứng nước. "Nhiều hôm mưa lớn kéo dài, tôi phải xin nghỉ làm ở nhà hứng nước, không nhà sẽ ngập", bà nói.

Phần mái nhà bị nứt dài, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Theo kế hoạch UBND TP Hà Nội, thời gian phá dỡ hai khu tập thể dự kiến từ quý III năm 2023.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954, hầu hết đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp. Sau gần 20 năm, thành phố mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa.

Ngọc Thành - Phạm Chiểu