Trong tháng 8, UEH là trường đại học đầu tiên trong cả nước đạt kiểm định quốc tế cấp Cơ sở giáo dục của FIBAA (châu Âu); thuộc top 401 các trường đại học tốt nhất châu Á, theo QS Asia 2023. Trước đó, trường cũng dẫn đầu các đại học tại Việt Nam về đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2023.
Đại diện UEH cho biết, để đạt những thành tựu này, trường đặt ra hai chiến lược. Đầu tiên, trường chú trọng phát triển nghiên cứu khoa học từ nội lực. Đây là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Với mục tiêu đẩy mạnh tự chủ và quốc tế hóa trong đào tạo, trường bắt đầu nghiên cứu khoa học và quản trị đại học từ năm 2012, dựa trên nền móng của một đơn vị đại học công lập trọng điểm quốc gia, có uy tín.
Trong quá trình đó, UEH tập trung phát triển nghiên cứu hàn lâm, công bố quốc tế và phục vụ cộng đồng trên nền tảng nội lực. Trong hơn 10 năm, trường triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng năng lực nghiên cứu cho đội ngũ; các chính sách thưởng, tài trợ, khuyến khích những công bố chất lượng, đồng thời, xây dựng quy định quản lý và quy tắc về liêm chính học thuật.
Nhờ vậy, số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế của trường ngày càng tăng, đạt hơn 500 bài mỗi năm. Bình quân mỗi thầy cô có hơn 0,5 bài. Số lượng giảng viên có nghiên cứu khoa học công bố quốc tế cũng có xu hướng gia tăng, chiếm gần 40%. Trong đó, hơn 85% bài báo đăng trên tạp chí được xếp hạng phân vị Q1 và Q2 trên cơ sở dữ liệu khoa học Scopus. Hơn 50% số bài công bố gắn với 17 mục tiêu SDGs (các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc).
Theo đại diện UEH, tri thức từ những nghiên cứu này là đầu vào của bài giảng, nền tảng cho chương trình đào tạo chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, đơn vị có 7 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN) và 9 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn FIBAA (Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế của Châu Âu), đạt chuẩn quốc tế này ở cấp đại học.
Song song với sự gia tăng của các hoạt động nghiên cứu khoa học, UEH xây dựng môi trường theo tinh thần "Liêm chính học thuật". Trường cũng chủ trương nhìn nhận thách thức là cơ sở cho sự phát triển bền vững.
"Phát triển nghiên cứu và công bố quốc tế là một năng lực "quốc tế hóa" còn mới với các trường đại học ở Việt Nam. Các trường có uy tín, lâu đời, có kinh nghiệm trên thế giới cũng có thể gặp rủi ro trong quá trình này", đại diện trường chia sẻ.
Do đó, UEH định hướng chủ động học hỏi kinh nghiệm quản lý của các đại học trên thế giới, đồng thời, nhận diện, điều chỉnh những tồn tại trong quá trình thực hiện.
Từ năm 2012 đến nay, trường dần chuẩn hóa "Bộ quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học" và thành lập Hội đồng liêm chính học thuật. Bộ phận này thực hiện vai trò thẩm định các khía cạnh đạo đức, khoa học của nghiên cứu, từ đó, phê duyệt, nghiệm thu; hỗ trợ các công trình nghiên cứu hàn lâm; cảnh báo thường xuyên những danh mục tạp chí bị loại khỏi Scopus, danh mục nhà xuất bản săn mồi, giả mạo; "bẫy nghiên cứu" có thể mắc phải.
Nhờ điều này, Tạp chí JABES (Journal of Asian Business and Economics Studies) - một trong những tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh được xếp vào top đầu Q1 của phân hạng Scopus, giúp nhà trường đạt được một bước tiến xa trong quá trình quốc tế hóa.
Với những biện pháp này, UEH có thể lắng nghe, hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là người trẻ. Đồng thời, trường cam kết kiên quyết xử lý các sai phạm theo đúng trình tự quy định, dù nguyên nhân là chưa hiểu biết đầy đủ hoặc thiếu kinh nghiệm trong quá trình trích dẫn tài liệu tham khảo, xử lý dữ liệu, lựa chọn nhầm các tạp chí kém chất lượng...
GS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, UEH sẽ tiếp tục con đường quốc tế hóa bằng năng lực nghiên cứu, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và tri thức cho cộng đồng khoa học thế giới.
"Chúng tôi lựa chọn đi con đường chính bằng nội lực của các giảng viên, viên chức của trường và nói không với những hành vi lệch lạc, cá nhân vi phạm chuẩn mực", ông nói thêm.
Nhật Lệ