Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi James Robbins, chuyên gia tại Đại học Plymouth, quan sát 36 con hải cẩu báo cùng săn đàn chim cánh cụt vua ở vùng biển Nam Georgia, Eurek Alert hôm 4/8 đưa tin. Trong đó có hai con hải cẩu cùng ăn thịt xác một con chim cánh cụt. Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi lại được hành vi như vậy vì hải cẩu báo, loài săn mồi bí ẩn của Nam Cực, thường được cho là chỉ hành động một mình.
Các nhà khoa học chưa rõ những con hải cẩu báo này thực sự hợp tác đi săn hay chỉ chấp nhận chia sẻ để không xảy ra tranh chấp, dẫn đến nguy cơ đánh mất hoàn toàn con mồi. "Hải cẩu báo thường được miêu tả như kẻ phản diện, ví dụ như đuổi bắt chim cánh cụt trong bộ phim 'Happy Feet' và gây hỗn loạn ở Nam Cực. Thực tế, hải cẩu báo vẫn còn mang nhiều bí ẩn và những quan sát như thế này sẽ cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng", Robbins giải thích.
"Video mới cho chúng tôi thông tin thú vị về hành vi và cuộc sống của hải cẩu báo. Có nhiều điều chúng tôi không biết về loài săn mồi này vì chúng sống ở nơi rất xa thuộc Nam Cực và thường được bắt gặp đứng một mình trên những tảng băng trôi mà con người không thể tiếp cận. Tôi từng gặp hải cẩu báo hơn 500 lần và chưa từng thấy hai con nào 'hòa thuận' như vậy", ông bổ sung.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng chúng chỉ cùng chia sẻ thức ăn. Việc bảo vệ con mồi lớn tốn sức hơn là chấp nhận và bỏ qua cho kẻ địch. Thay vì cố đuổi đối thủ cạnh tranh đi, hải cẩu báo tập trung vào việc đánh chén con mồi mà không tốn quá nhiều năng lượng.
Nam Cực xa xôi là thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu muốn tiếp cận sinh vật hoang dã tại đây, theo chuyên gia David Hocking tại Đại học Monash. Video mới cung cấp cái nhìn hiếm hoi về thế giới đó. Trước đây, các nhà thám hiểm Nam Cực miêu tả hải cẩu báo là kẻ thù chính của chim cánh cụt, nhưng hầu hết các quan sát cho thấy chúng nhắm đến những loài chim cánh cụt nhỏ. Nghiên cứu mới chỉ ra, kể cả chim cánh cụt vua trưởng thành kích thước lớn cũng bị đe dọa bởi hải cẩu báo.
"Nghiên cứu mới là ví dụ về việc công nghệ hiện đại giúp các nhà nghiên cứu quan sát động vật hoang dã chi tiết như thế nào. Nhờ sử dụng drone, người quay phim có thể 'bay' phía trên mà không quấy nhiễu chúng, ghi lại những hành vi mà người đứng trên bờ có thể không thấy được", Hocking chia sẻ.
Thu Thảo (Theo Eurek Alert)