Kéo theo vali hành lý nặng đi qua trạm tàu điện ngầm ở Thượng Hải, Linghu Yong chuẩn bị tinh thần bước lên chuyến tàu chật ních, bắt đầu chuyến đi dài 30 giờ để về quê đón năm mới âm lịch. Chàng trai 17 tuổi này là một trong số những người may mắn có thể về quê đón tết. Phía ngoài nhà ga, đám đông người lao động nhập cư vẫn phải cắm trại nhiều ngày để mua vé tàu.
"Đây là lần đầu tiên tôi đón năm mới trên tàu", Yong nói. "Điều ước của tôi là được đón năm mới bên gia đình và mua một chiếc máy tính". Yong, đến từ phía tây thành phố Trùng Khánh, là sinh viên cao đẳng đang học việc tại một nhà máy điện thoại di động ở Thượng Hải.
Năm mới âm lịch ở Trung Quốc cũng là thời điểm của cuộc "di cư" lớn nhất trong năm, với 3,6 tỷ lượt di chuyển bằng xe buýt, máy bay, tàu hỏa được thực hiện trong 40 ngày cao điểm. Khác với hàng triệu người lao động xa nhà về quê đón tết theo phong tục, những người mới thành công ở Trung Quốc lại muốn sử dụng kỳ nghỉ lễ này để bay ra nước ngoài hoặc tới những điểm du lịch trong nước.
Wang Zheng, kế toán viên 34 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết toàn bộ gia đình cô sẽ tới khu nghỉ dưỡng nhiệt đới trên đảo Hải Nam, cho dù nơi đây nổi tiếng với mức giá cắt cổ tại các nhà hàng, khách sạn trong kỳ nghỉ.
"Tại sao không làm kỳ nghỉ thú vị hơn thay vì chỉ có những bữa ăn đầy lặc lè cùng gia đình hoặc đi lễ chùa? Những thứ đó đã cũ rồi", cô nói.
Chính quyền Hong Kong ước tính sẽ có gần 8 triệu du khách tới đây trong khoảng thời gian từ 29/1 đến 6/2, cao hơn dân số 7,1 triệu người ở đặc khu hành chính này. Phần lớn du khách đến từ Trung Quốc. Đây là tác động tích cực từ việc thu nhập gia tăng và giá trị đồng nhân dân tệ được cải thiện trong thời gian qua.
Thành phố Las Vegas, Mỹ từ lâu đã coi năm mới âm lịch là một cơ hội làm ăn. Các khách sạn, cửa hàng, sòng bạc ở đây được trang trí với những câu chúc mừng năm mới, những món đồ màu đỏ và vàng để thu hút những vị khách Trung Quốc nhiều tiền.
Nguyễn Tâm (theo AP)