Tiến sĩ Phùng Thùy Linh, chủ nhiệm chương trình tiếng Anh cho sinh viên quốc tế của Đại học Chatham, giám đốc chương trình tiếng Anh Eduling ở thành phố Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ, chia sẻ hai cách để đưa ra lời đề nghị lịch sự.
Tôi sang Mỹ học thạc sĩ sau một số năm giảng dạy ở Việt Nam và với điểm TOEFL gần tối đa (ngày đó TOEFL chưa có bài thi nói) nên vốn tiếng Anh thường được bạn bè khen. Dù vậy, tôi vẫn còn bỡ ngỡ trong nhiều trường hợp.
Có lần, tôi không nhớ là mình viết email cho giáo sư hay nói năng có đúng phép lịch sự không, nhưng giáo sư hướng dẫn luận văn của tôi từng khuyên: "Có một cấu trúc câu đề nghị hay xin phép rất có ích. Đó là: I was wondering if ... Em nên sử dụng nhiều hơn".
Khi bạn nhờ ai đó làm gì cho mình hay xin phép được làm gì, trong tiếng Anh gọi là "make a request". Đây là tình huống phải dùng ngôn ngữ phù hợp để tránh bị cho là bất lịch sự. Bạn phải xem xét những yếu tố như khoảng cách xã hội (social distance), thứ bậc của người nói chuyện (power) và mức độ đòi hỏi của lời đề nghị (rank of imposition). Điều này có nghĩa là khi bạn đưa ra đề nghị với người ít thân thiết, có vị trí hay quyền lực cao hơn mình, hoặc lời đề nghị khó, thì bạn phải dùng cách nói lịch sự hơn.
Để làm điều này, chúng ta có thể sử dụng các cấu trúc hai mệnh đề hoặc cấu trúc có động từ quá khứ, cũng như lưu ý khi sử dụng từ please.
Dùng các cấu trúc có hai phần:
Ví dụ:
- I was wondering if you could lend me your car tonight (Tôi băn khoăn liệu bạn có thể cho tôi mượn xe tối nay không).
- If you could finish this report tonight, it would be great (Nếu anh/chị có thể hoàn thành bản báo cáo tối nay thì thật tốt).
- I would appreciate it if you could look at my essay again (Rất biết ơn cô nếu cô xem lại bài luận của em).
Sử dụng cấu trúc có động từ quá khứ:
Ở các cấu trúc trên, động từ ở thì quá khứ. Dùng thì quá khứ tạo khoảng cách với người nghe nên cũng làm cho câu đề nghị của bạn lịch sự hơn. Bởi vậy, nếu các bạn không dùng cấu trúc có hai phần như trên, các bạn có thể dùng một số cấu trúc có động từ quá khứ.
Ví dụ:
- Could you water the plants for me this weekend please? (Bạn có thể đến tưới cây giúp tôi cuối tuần này không?).
- Would you mind watering the plants for me this weekend? (Bạn phiền lòng đến tưới cây giúp tôi cuối tuần này nhé).
Tất nhiên là khi đề nghị ai đó, bạn không chỉ nói một câu như vậy là xong. Để lịch sự hơn, bạn có thể giải thích tình huống và sau đó cảm ơn người nghe.
Một vài lưu ý với từ please:
Khi nói chuyện trong gia đình, với nhân viên, với bạn bè, bạn có thể dùng những lời đề nghị thẳng thắn hơn. Từ please sẽ giúp lời đề nghị nhẹ nhàng hơn một chút: Clean your room please! Will you clean your room please! (Con đi dọn phòng của mình đi).
Trong nhiều trường hợp, từ please làm tăng độ quan trọng hay khẩn thiết. Ví dụ, sau khi trình bày xong một dự án với Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi nhận được email hướng dẫn là tôi cần hoàn thành bản báo cáo trong hai tuần. Tôi hiểu độ quan trọng của lời đề nghị khi thấy chữ please được dùng trong câu: The report is due in two weeks, please (Bản báo cáo sẽ cần nộp trong hai tuần nhé).
Khi nhận được email của đồng nghiệp hỏi về thư mời một số hội thảo, trong câu có từ please (Could you please send me an invitation letter so that I could .../ Chị gửi cho tôi thư mời để tôi có thể...), tôi cũng hiểu độ khẩn thiết, nhưng lại thấy hơi phiền vì tôi không phải người có trách nhiệm viết thư mời. Thế nên, trong tình huống này tôi sẽ nói: I was wondering if you could send me an invitation letter so that I could ... (Không biết chị có thể gửi cho tôi thư mời để tôi ...).
Trong đời sống, nhiều nhân tố quyết định cách dùng ngôn ngữ. Nếu bạn chú tâm hơn, thì độ nhạy cảm về ngôn ngữ cũng sẽ dần tăng và giúp bạn giao tiếp tự tin. Điều quan trọng khi giao tiếp quốc tế hay trong môi trường đa văn hóa là thông cảm và hiểu nhau để cùng đạt mục đích.
Linh Phùng