Cách đây một năm cậu bé quê Phú Yên có dấu hiệu đau lưng, khó thở. Mới đây nhập viện tại Quy Nhơn, cậu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng chân yếu, vẹo cột sống.
Bác sĩ Đinh Việt Hưng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trong thời gian tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, tình trạng bệnh của bé diễn tiến cực kỳ nhanh. Cậu bé nhanh chóng yếu liệt không thể đi lại, chỉ còn nhúc nhích được ngón chân, tiêu tiểu khó, đau lưng nhiều hơn. Kết quả chụp MRI ngực cho thấy khối u có kích thước khổng lồ 18x10x9 cm ở trung thất, chiếm hết toàn bộ khoang màng phổi bên phải bệnh nhi.
"Nguy hiểm hơn là khối u này phát triển lan vào trong ống sống, chèn ép vào đoạn tủy ngực khiến bệnh nhi có biểu hiện liệt chân, rối loạn tiêu tiểu, mất cảm giác. Nếu không điều trị thì sẽ liệt hoàn toàn, không thể hồi phục", bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đánh giá đây là ca khó, diễn tiến nhanh, tiên lượng nặng, khả năng tử vong trên bàn mổ. Bệnh viện đã nhiều lần hội chẩn các chuyên khoa, liên viện để tìm phương án tốt nhất.
"Vấn đề đặt ra là nên ưu tiên phẫu thuật trước phần u chèn ép tủy hay sẽ mổ bóc phần u trung thất, hoặc có thể kết hợp cả hai trong một cuộc mổ không", bác sĩ Hiếu chia sẻ. Bệnh nhân mổ cột sống phải nằm sấp, nếu xoay trở tư thế có thể vô tình đè vào tim phổi, thay đổi huyết động học làm suy hô hấp, ảnh hưởng mạng sống.
Ngày 12/12, các bác sĩ Nhi đồng 1 phối hợp cùng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình phẫu thuật để lấy trọn phần khối u chèn ép tủy. Các bác sĩ chuẩn bị sẵn sàng hai ê kíp bác sĩ mổ. Dự kiến trong khi kíp cột sống mổ, kíp lồng ngực túc trực để nếu xảy ra tình huống đe dọa tính mạng bệnh nhân phải vào xử lý ngay. May mắn mọi việc được kiểm soát tốt, ca mổ bóc bướu cột sống thành công sau 5 giờ căng thẳng.
Các bác sĩ quyết định tạm ngưng phẫu thuật để tiếp tục hồi sức, chờ kết quả giải phẫu bệnh mới tiếp tục mổ lồng ngực. Bệnh nhân hồi phục ngoạn mục sau đó. Kết quả giải phẫu bệnh đây là u lành hạch thần kinh. Tuy lành tính nhưng khối u trong trung thất vẫn còn, nếu không giải quyết sẽ tiếp tục chèn ép các tạng trong lồng ngực như tim, phổi, các mạch máu lớn. Ngày 21/12, các bác sĩ bước vào cuộc mổ thứ hai, kéo dài hơn 5 giờ để lấy trọn phần u trung thất nặng 1,5 kg.
Sáng 26/12, cậu bé hồi phục ăn uống, cử động chân tốt, sinh hiệu ổn định sau hai cuộc mổ. Đây là một trong những trường hợp khối u vùng trung thất chèn ép tủy lớn nhất bệnh viện tiếp nhận, nếu không giải quyết sớm có thể khiến bé nguy cơ tàn phế.