![]() |
Việc cho thận được thực hiện năm 1998. Khi đồng ý hiến tạng, gia đình của người quá cố không hề thông báo chuyện ông này từng bị u hắc tố. Thận của ông được hiến cho một phụ nữ và một nam giới (cả hai đều ngoài 50 tuổi). Một năm rưỡi sau, bệnh nhân nữ được chẩn đoán là bị u hắc tố và đã qua đời. Vài tháng sau đó, người ta cũng phát hiện bệnh tương tự ở người đàn ông. Ngay lập tức, người bệnh được cắt bỏ thận ghép và phải chạy thận nhân tạo. Thuốc ức chế miễn dịch được thay thế bằng thuốc kích thích sức đề kháng. Hiện ệnh nhân đang phục hồi tốt. Trường hợp hy hữu này được các nhà khoa học Scotland mô tả trên Tạp chí Y khoa Anh Mới (NEJM) số ra hôm qua.
Việc truyền bệnh ung thư từ tạng hiến sang người nhận là chuyện rất hiếm gặp. Hơn nữa, cơ hội xuất hiện bệnh một thời gian dài sau khi ghép được coi là vô cùng nhỏ. Theo nhóm nghiên cứu, trước khi việc ghép tạng được thực hiện, các tế bào ung thư đã "nằm ngủ" 16 năm trời trong thận của người hiến. Sau khi chuyển sang người nhận, chúng đã "bừng tỉnh và nở rộ" vì thuốc ức chế miễn dịch để chống thải tạng đã khiến sức đề kháng của cơ thể người này giảm sút. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tuyệt đối không nên sử dụng tạng hiến của các bệnh nhân bị u hắc tố.
Tại Mỹ, trong tổng số 125.000 ca ghép tạng được thực hiện trong giai đoạn 1994-2001, chỉ có 24 trường hợp ung thư liên quan tới người hiến. 10 người trong số này đã tử vong, trong đó có 4 người bị nhiễm u hắc tố từ các bộ phận khác nhau của cùng một người hiến.
Thu Thủy (theo AP)