Chiều về bên xóm nhỏ cạnh bến xe thị xã Bình Long (Bình Phước), nhóm trẻ tụm lại nô đùa bên khóm hoa mười giờ. Trong lúc những chị em gái cùng chơi trốn tìm, cô bé gầy gò, nhỏ nhắn 4 tuổi vẫn ngồi lặng lẽ ngắt từng nhành hoa. Bé là Lan Anh, một trong hai đứa trẻ bị Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long trao nhầm cách đây 4 năm.
Nằm đu đưa trên võng trông cháu, ông Nguyễn Duy Nguyên (ông ngoại Lan Anh) nhìn cháu, nói: "Từ khi về với ba mẹ ruột, nó thỉnh thoảng lủi thủi chơi một mình như thế". Ông Nguyên là người tình cờ phát hiện cháu gái bị trao nhầm khi đi bán bánh mì ở làng bên giữa năm ngoái.
Anh Vũ Đình Khiên (38 tuổi), người cha ba năm lặn lội đi tìm sự thật cho rằng để giúp hai con hòa nhập cuộc sống mới là điều không dễ, nó khiến cuộc sống hai gia đình đảo lộn suốt một năm qua. "Hạnh phúc vì có được thêm một người con, nhưng nó cũng khiến mình phải làm việc nhiều hơn chút để chăm lo tốt hơn cho các cháu", anh chia sẻ.
Nhớ lại giây phút chia tay đứa con đã nuôi nấng ba năm, vợ chồng anh đau như thắt nghe bé khóc, gào lên "con thương ba, sao ba bỏ con". Trong đêm đầu được nằm cạnh đứa con máu mủ mà hai vợ chồng anh không sao chợp mắt vì bé liên tục khóc, đòi mẹ. "Bé khóc suốt đêm không sao dỗ được, đến lúc mệt thì mới lịm đi. Đúng là công sinh không bằng công dưỡng", anh Khiên ngậm ngùi.
Ở bản làng xa xôi cách thị xã Bình Long chừng 7 km thuộc huyện Hớn Quản, bé còn lại khi về một ngôi nhà lạ lẫm cũng tương tự. "Ban ngày nó chẳng chơi đùa gì, cứ ra ngoài cổng ngồi chờ ba mẹ vào đón. Khi đó, tôi vẫn thương con mình đã nuôi nấng hơn, chưa có tình cảm với nó đâu, dù đã biết là con ruột. Sau 2-3 tháng mới yêu thương dần dần", chị Liên, mẹ bé Ngọc Yến, kể.
Sau vài ngày thấy không ổn vì bé nào cũng khóc, không chịu ở với ba mẹ ruột khiến cho cuộc sống, công việc của hai gia đình bị xáo trộn. Hai bé vì thế mà chưa được đến trường như dự tính ban đầu.
Lo lắng hai bé bị chấn động tâm lý, sau khi bàn bạc, họ quyết định cho các con ở cùng với nhau, luân phiên từng nhà một tuần. Để không phải làm lại giấy khai sinh, hai bé cũng được đổi tên. Lan Anh sinh trước 15 phút nên được gọi bằng chị, Ngọc Yến là em. Chúng bắt đầu vui vẻ hơn và dần nhận được ba mẹ ruột, ba mẹ nuôi.
Ngày tròn 4 tuổi, Lan Anh và Ngọc Yến được hai bên tổ chức sinh nhật, với thông điệp "ngày sum họp gia đình". Chị Liên cho in một tấm ảnh to của hai con treo trên tường, mời hàng xóm, bà con đến chung vui. Cái Tết đầu tiên, Ngọc Yến được dẫn đi Bình Dương chơi, còn Lan Anh thì được đưa về Tây Ninh thăm họ hàng.
Bên khoảnh sân nhỏ trước quán tạp hóa của ông bà ngoại sau một năm trở về với cha mẹ ruột, hai đứa trẻ giờ như cặp song sinh cười đùa tinh nghịch. "Con được ba mẹ mua áo mới, đồ chơi và có anh chị em chơi cùng. Giờ con chỉ muốn được sống chung với cả hai mẹ luôn, ở nhà nào con cũng thích", Ngọc Yến hồn nhiên nói.
"Thấy vậy chứ các cháu mới hòa nhập chừng 70% thôi, Ngọc Yến lanh lẹ hơn, trong khi Lan Anh yếu ớt và ít nói. Nhiều lúc chúng không nói gì, hay nhớ về ba mẹ nuôi của mình, đòi về", anh Khiên cho biết.
Hai gia đình cho biết sau khi hòa giải, trao trả hai bé cho bố mẹ ruột, Bệnh viện đa khoa Bình Long đã hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng. Hàng xóm, người quen cũng thường xuyên qua thăm hỏi, động viên gia đình, đặc biệt là hai cháu nhỏ.
Bốn năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Trang (27 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (25 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Chị Trang sinh trước 15 phút. Thấy con gái lớn lên mà chẳng giống ai trong gia đình, người chồng nghi ngờ vợ ngoại tình. Đầu tháng 5 năm ngoái, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên nghi ngờ. Chị Trang đưa bé đi xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Ngày 25/7/2016, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm. |