7h sáng, hàng nghìn người đã có mặt tại nhà Thiếu Nhi quận Thủ Đức, TP HCM để theo dõi phiên xét xử lưu động 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) về tội hành hạ người khác.
Khán phòng nơi diễn ra phiên tòa trở nên quá chật chội khi dòng người vẫn không ngớt chen chân vào trong. Phương trong chiếc áo sơ mi trắng, Lý mặc áo xanh với mái tóc cột cao tỏ vẻ hoảng hốt trước rừng người. Hai bị cáo nhanh chóng được hàng chục cảnh sát tư pháp đưa vào khu vực phía sau khán phòng. Do quá đông người dự khán nên đến 8h20 phiên xử vẫn chưa diễn ra.
Đây là một trong vụ án có thủ tục tố tụng ngắn nhất từ xưa đến nay bởi từ khi vụ án được phát hiện cho đến khi xét xử chỉ hơn một tháng. Chủ tọa phiên tòa là Chánh án TAND quận Thủ Đức Vũ Tất Trình.
8h30, chủ tọa khai mạc phiên xét xử, chậm hơn 30 phút so với dự kiến. Bé Khang, một trong 4 nạn nhân của 2 bảo mẫu được mẹ đưa ra khỏi phòng xử. Người mẹ cho hay có quá đông người nên bé sợ hãi.
Hàng trăm người khác vẫn tiếp tục đổ dồn về phòng xử dù tất cả các cửa vào trong đã được chặn. "Có nhìn thấy 2 bà bảo mẫu không", họ hỏi nhau và liên tục hò hét đòi cảnh sát tư pháp được vào phòng.
8h50, VKS công bố cáo trạng nhưng khán phòng vẫn không hết nhốn nháo.
Theo cáo trạng, Phương xin phép mở cơ sở chăm sóc trẻ tại địa chỉ 18 Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) từ tháng 8 nhưng UBND phường đã yêu cầu lên Phòng giáo dục để được hướng dẫn cụ thể. Tuy không được cấp phép nhưng đến tháng 10/2013, Phương bắt đầu nhận giữ trẻ.
Ngày 15/11/2013, tổ công tác của phường đã kiểm tra, lập biên bản và đề nghị Phương ngưng giữ trẻ nhưng người phụ nữ này vẫn tiếp tục hoạt động. Gần đây nhất, vào ngày 6/12/2013, phường lại một lần nữa kiểm tra và tiến hành xử phạt hành chính, yêu cầu Phương ngưng ngay hoạt động giữ trẻ nhưng bà này tiếp tục phớt lờ.
Ngày 13/12/2013, Công an quận Thủ Đức nhận được đoạn clip quay được cảnh Phương và Lý hành hạ nhiều trẻ bằng những hành vi đánh đập, đe dọa và đã triệu tập những người có liên quan để điều tra. Đến ngày 17/12/2013, công an đã bắt tạm giam Phương và Lý.
Tại cơ quan điều tra, 2 bảo mẫu thừa nhận việc đánh đập, đe dọa như tát liên tục, chổng ngược đầu bé vào thùng nước, ép đầu trẻ xuống đất, bịt mũi khi cho uống sữa... Tuy nhiên, họ cho biết chỉ muốn làm các bé sợ và chịu ăn uống.
9h5, Chủ tọa bắt đầu thẩm vấn Phương. Không còn khóc thút thít như lúc được dẫn vào phòng xét xử, Phương đứng trước vành móng ngựa với vẻ mặt khá căng thẳng, thỉnh thoảng chau mày.
Chủ tọa nhiều lần yêu cầu người dự khán giữ trật tự để phiên xử có thể tiếp tục.
Phương thừa nhận 2 lần hành hạ trẻ như cáo trạng truy tố đúng. "Lúc đầu có ít học trò, bị cáo tự trông giữ. Khi lên đến 19 trẻ thì thuê thêm Lý để giữ", Phương nói.
9h15, Phương thừa nhận 2 lần có hành vi tát vào mặt, bóp cổ và kẹp các bé vào đùi vì “muốn cho các cháu ăn”. Người dự khán ồ lên bất bình khiến Phương im bặt. Chủ tọa hỏi: "Trong trường sư phạm có dạy cách cho trẻ ăn như vậy không?", Phương trả lời "không".
"Vì sao lại phải chuyển bàn ăn của các cháu ra khu vực sau nhà", chủ tọa tiếp tục truy vấn. Phương nói: "Để cho rộng rãi ạ".
"Bị cáo cũng có con nhỏ, nếu người ta cho con bị cáo ăn như vậy thì thấy sao?", Phương nói là thấy buồn. "Bị cáo cũng có dặn Lý là cho các cháu ăn từ từ", Phương đáp.
"Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã được cho xem các clip người dân quay được. Có phải bị cáo và Lý không?", Phương thừa nhận. "Bị cáo thấy sao?", chủ tọa hỏi dồn. "Bị cáo ân hận lắm", Phương đáp.
Trước câu hỏi "Một ly sữa, một chén cháo mà các cháu được ăn phải đẫm nước mắt thế này, bị cáo nghĩ gì?", Phương lặp lại câu trả lời: "Bị cáo ân hận lắm, bị cáo biết sai rồi".
9h25, chủ tọa thẩm vấn Lý.
Lý cho biết Phương là bác họ. Tháng 9/2013, cô đến cơ sở của Phương làm với nhiệm vụ cấp dưỡng và dọn dẹp vệ sinh, có khi được giao việc cho trẻ ăn.
"Khi được giao nhiệm vụ cho các cháu lười ăn có được chỉ bảo không?", chủ tọa hỏi. Giọng lí nhí, Lý nói: "Dạ bác Phương có nói là cho các cháu ăn từ từ".
"Thực tế bị cáo đã cho các cháu ăn như thế nào?", chủ tọa nghiêm giọng. "Bị cáo cho cháu Khang ăn 2 lần nhưng đều ói nên mới vỗ vào vai cháu. Khang tiếp tục ói nên bị cáo mới đè đầu cháu. Còn bé Châu không chịu ăn, cứ phun ra ngoài nên bị cáo bế, dọa sẽ bỏ vào thùng nước. Chỉ một lần với bé Châu, 2 lần bị cáo đánh bé Khang thôi ạ. Còn riêng bé Hòa bị cáo chỉ vỗ vai", Lý khai.
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: "Bị cáo hù bỏ các cháu vào thùng nước, có nghĩ các cháu sẽ thế nào không?". Lý đáp nhỏ nhẹ: "Các cháu sợ ạ".
Trả lời câu hỏi "Trẻ sợ như vậy có muốn đi học không?", Lý thừa nhận: "Bị cáo nóng giận quá nên mới có hành vi sai trái như vậy". Dưới khán phòng nhiều người hét lên: "Ai làm gì mà các cô bảo nóng giận?".
"Cha mẹ bị cáo nuôi con lớn cũng chưa từng làm như vậy với bị cáo đúng không? Để làm được điều đó, bản thân người dạy dỗ phải biết yêu thương", vị chủ tọa nói.
9h40, chủ tọa chuyển sang hỏi đại diện của các bé bị hại.
Chị Phượng cho biết, sức khỏe của con trai chị vốn không sao nhưng từ khi được gửi ở cơ sở của Phương thì liên tục bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp. Mỗi lần thấy mẹ nói chuyện với cô giáo, bé không cho mà toàn nhoài người ra xa, tỏ vẻ sợ sệt. "Sáng đưa con đi học, nó toàn đòi về. Từ hôm không đi học nhà cô Phương đến giờ thì con tôi không bị gì nữa", chị Phượng nói.
"Qua lời khai của các bị cáo, chị có ý kiến gì?". chủ tọa hỏi. Ngập ngừng một lát, người mẹ nói: "Người ta hành hạ con tôi như vậy, làm sao mà chịu nổi. Yêu cầu tòa xử theo pháp luật để từ nay về sau các bị cáo không dám làm vậy nữa", người mẹ bức xúc. Mọi người trong phòng xử vỗ tay rào rào bất chấp nội quy phiên xử là phải giữ trật tự được HĐXX công bố trước đó.
Chị Phượng yêu cầu bị cáo Phương phải bồi thường 15 triệu đồng bao gồm khoản mất thu nhập do chị phải ở nhà trông con bệnh, thuốc thang điều trị cho bé... Còn về phần ảnh hưởng tâm lý của con, chị Phương nói: "Khi đi khám các bác sĩ nói con trai tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, nhưng giờ không biết cụ thể phải điều trị thế nào nên đề nghị tổng cộng Phương phải bồi thường 45 triệu đồng".
9h50, cũng có con bị hành hạ, chị Lệ, mẹ bé Khang bày tỏ bức xúc ngay khi được tòa gọi đến: "Hành động cô giáo mà nhận đầu con tui xuống háng như vậy là mất nhân tính".
Người mẹ này tiếp lời: "Con tôi không phải là trẻ biếng ăn. Ngày đưa con đến trường tôi đã nói rõ điều này với họ, bảo là đừng có đánh con tôi vì tôi chưa bao giờ dùng bạo lực với con. Bị cáo Phương nói con tôi ăn rất giỏi, chơi rất ngoan nên tôi cũng yên tâm. Những lần thấy có vụ bạo hành trẻ em nào, tôi đều nói chuyện với Phương để cảnh cáo nhưng không ngờ con tôi lại bị hành hạ dã man như vậy...". Chị cho biết yêu cầu bồi thường 20 triệu đồng.
9h55, chủ tọa yêu cầu Phương đứng dậy. Bảo mẫu này nhận chỉ đánh các cháu có 2 lần." Hôm 20/11 các cháu chơi rất vui, bản thân bị cáo rất yêu học trò", Phương nói. Phía sau, người dự khán lại ồ lên phản ứng.
"Mấy bé khi được đưa đến không chịu vào học là nhõng nhẽo, chứ thường thì rất là vui. Các bé còn kêu 'Cô Phương ở trường là mẹ của con' nữa. Bị cáo thường xuyên nhắc nhở người khác phải nhẹ nhàng với các cháu", Phương khai.
"Các cháu là những đứa trẻ không tự bảo vệ được mình. Trong khi trẻ em cần được bảo vệ thì các bị cáo lại hành hạ như vậy. Nếu các cháu được chăm sóc ở những nơi như cơ sở của bị cáo thì tương lại sẽ thế nào?", chủ tọa hỏi. Phương chỉ cúi đầu im lặng.
Trước những yêu cầu bồi thường của các bị hại, Phương nói: "Xin phụ huynh giảm nhẹ số tiền cho bị cáo. Chồng bị cáo đi dạy, thu nhập của hai vợ chồng cũng không được nhiều, chỉ đủ nuôi con. Với bé Hòa, bị cáo bồi thường 25 triệu, bé Khang là 10 triệu, hai bé còn lại bị cáo sẽ bồi thường 5 triệu", Phương nói.
10h, trả lời xét hỏi của Hội thẩm nhân dân, Phương cho biết từng tốt nghiệp ở Đại học Sài Gòn. Do hồ sơ còn thiếu nên chưa được cấp phép mở cơ sở mầm non tư thục nhưng vẫn năn nỉ chủ nhà cho thuê 9 triệu đồng mỗi tháng để nhận trông giữ trẻ, mục đích là kiếm thêm thu nhập.
"Lý chỉ tốt nghiệp cấp dưỡng mà bị cáo lại cho làm bảo mẫu rồi cùng nhau thực hiện những hành vi phi giáo dục, làm hoen ố hình ảnh của người thầy cô. Đây là bài học cho các bị cáo sau này", vị hội thẩm nói.
"Xin HĐXX xem xét giảm nhẹ để bị cáo được trở về làm người tốt, chuộc lại lỗi lầm", Phương nói.
10h15, một thành viên khác của HĐXX thẩm vấn Lý: "Bị cáo có thấy nguy hiểm khi dúi đầu trẻ vào thùng nước không?". "Dạ có, chỉ vì bị cáo nóng nảy quá mới làm thế thôi ạ", Lý nói.
Tiếp tục xét hỏi Phương, vị hội thẩm ôn tồn: "Bị cáo có thấy cá tính mình phù hợp với nghề này không?", Phương nói: "Bị cáo là phụ nữ nên chỉ nghĩ là sáng đi làm, chiều về chăm sóc gia đình nên bị cáo nghĩ là phù hợp".
"Bị cáo nghĩ đơn giản thế mà bước vào ngành mầm non à? Bị cáo chỉ nhận có 2 lần đánh các bé là vào những lúc hành vi ấy bị quay clip, còn những ngày khác thì không làm vậy. Bị cáo giải thích vì sao chỉ 2 lần đó mới đánh các cháu?", vị hội thẩm truy. Phương ngập ngừng: "Bị cáo cũng không biết nữa".
"Các phụ huynh đều mong muốn con em mình được chăm sóc tốt. Bị cáo nghĩ sao nếu phụ huynh biết việc các bị cáo hành hạ con người ta như vậy? Bị cáo biết luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em không?", hội thẩm hỏi. "Dạ biết, nhưng vì bị cáo nhất thời nóng nảy mới có hành động vậy thôi ạ", Phương trả lời.
Cô này cho hay nhận Lý vào làm một thời gian ngắn và không có hợp đồng. Được thuê làm cấp dưỡng nhưng lúc rảnh Lý thường phải kiêm luôn việc cho các cháu ăn. Miếng đất rộng hơn 20 m2 phía sau nhà được Lý mang các cháu biếng ăn ra ngoài đó cho ăn. Vì khuất sau nhà nên lúc Lý đánh các cháu, Phương không hay biết.
"Bị cáo cũng cho trẻ ăn ngoài đó, sao không biết?", hội thẩm hỏi. "Lúc đó bị cáo ôm bé Lâm, đánh cháu Trần Hòa nên không biết", Phương nói.
10h25, kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa bước vào phiên tranh luận.
Phát biểu quan điểm, đại diện VKS cho hay, thời gian gần đây có nhiều vụ hành hạ trẻ em xảy ra, đây là một trong những vụ án điển hình nên cần thiết phải xét xử nghiêm minh để răn đe.
Theo VKS, tại tòa, các bị cáo thừa nhận đã có những hành vi hành hạ 4 cháu bé trong hai ngày, như cáo trạng đã truy tố. Các bị cáo Phương và Lý là những người có trình độ, biết rõ quyền và lợi ích được hưởng của trẻ em, đáng lẽ phải dạy dỗ, yêu thương trẻ, nhưng chỉ vì khó khăn mà các bị cáo đã hành hạ dã man cả thể xác và tinh thần các cháu. Hành vi của các bị cáo là có ý thỏa mãn sự bực tức, nóng nảy. Nghiêm trọng hơn, các bị cáo thực hiện hành vi này với nhiều trẻ em... Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phương và Lý cùng mức án 2-3 năm tù về tội Hành hạ người khác' và liên đới bồi thường cho 4 bé theo quy định của pháp luật.
10h40, bào chữa cho Phương, vị luật sư không tranh luận về tội danh mà chỉ đề nghị tòa xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ mình.
Theo luật sư, lúc bị phường xử phạt hành chính, Phương đã nộp phạt đầy đủ. Ngày 23/12, Phương xuất hiện trên phương tiện truyền thông thì ngay sau đó đã nói lời xin lỗi đến các gia đình cháu bé. "Tại tòa, Phương đã nhận sai và có thái độ ăn năn rất cao. Từ lúc bị giam đến nay Phương chưa từng trao đổi với gia đình các cháu bé, song sau khi cân đối kinh tế gia đình đã có ý khắc phục hậu quả. Chồng Phương là giáo viên dạy nhạc, gia đình bị cáo có nền tảng giáo dục... Xin HĐXX xem xét về mức độ phạm tội, ăn năn hối cải của Phương, mức án 2 năm tù đối với bị cáo là đã đủ sức răn đe rồi", luật sư đề nghị.
Suốt thời gian luật sư bào chữa, Phương lặng lẽ cúi đầu. Thỉnh thoảng, bảo mẫu này lại hướng mắt về phía sau.
10h50, tham gia tranh luận, luật sư bảo vệ cho bé Khang khẳng định các bị cáo đã nhiều lần hành hạ các cháu bé. Trong đó, bé Khang được gia đình gửi ở nhà trẻ Phương Anh từ lúc 18 tháng. Đó là độ tuổi vừa biết đi, vừa biết nói. Trong khi đó, Lý mang danh là cô nuôi dạy trẻ lại liên tục đánh cậu bé. Nghiêm trọng hơn khi Lý vừa dí đầu Khang sang một bên, vừa đánh khoảng 30 cái vào lưng cháu. Hậu quả của những ngày tháng này là cháu Khang bị rối loạn tiêu hóa, tổn hại về thể xác, tinh thần.
"Lẽ ra khi bé ói, với vai trò của người cấp dưỡng, Lý phải làm thế nào cho bé tự nguyện ăn uống, đằng này lại làm mọi cách để bé sợ hãi mà nuốt thì không thể chấp nhận được", luật sư nêu. Còn với Phương, vị luật sư cho rằng, với vai trò là người chủ cơ sở mà để mặc, thậm chí còn góp sức với Lý hành hạ Khang, cần phải xử nghiêm.
11h, Được nói lời sau cùng, Phương nghẹn ngào: "Bị cáo cúi đầu xin lỗi các anh chị phụ huynh. Bị cáo biết mình đã tự tay đánh mất tương lai, đánh mất niềm tin của mọi người. Bị cáo xin lỗi gia đình vì mình mà trong thời gian qua đã chịu nhiều xấu hổ, gièm pha của mọi người. Bị cáo cũng xin lỗi thấy cô đã dạy dỗ bị cáo chu đáo nhưng cuối cùng bị cáo lại làm ra chuyện này", Phương bật khóc.
11h5, HĐXX tuyên án.
Bản án nêu, hành vi phạm tội của Phương và Lý đúng như cáo trạng truy tố. Giám định sang chấn tinh thần cho các cháu đều cho kết quả không bị ảnh hưởng. Hầu hết các gia đình bị hại đều yêu cầu bồi thường. Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhìn nhận trách nhiệm. Hai bị cáo đã có hành vi tát, dọa nạt, quát tháo các cháu khi cho ăn đã gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hành vi này của các bị cáo là phạm vào tội Hành hạ người khác. Đây là hành vi nguy hiểm, xâm phạm quyền được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương của các em, theo luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Hơn nữa, các bị cá nhận trách nhiệm thay thế cha mẹ các cháu nhưng lại đối xử thô bạo, gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng uy tín của môi trường giáo dục.
Cũng theo tòa, các bị cáo phạm tội với nhiều cháu bé, đây là tình tiết định khung tăng nặng. Cần phải xử nghiêm để răn đe và ngăn ngừa chung. Tuy nhưng, tòa cũng xét thái độ ăn năn hối cải, nhân thân tốt, cố gắng khắc phục hậu quả... của các bị cáo.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Phương và Lý cùng chung mức án 3 năm tù khi xem xét mức độ hành vi phạm tội của hai bị cáo là như nhau. Đây là mức án cao nhất của khung hình phạt. Hàng nghìn người dự khán lại được dịp vỗ tay tỏ vẻ tán thành trong khi Phương và Lý cúi thấp đầu. Ngoài ra, Phương phải có trách nhiệm bồi thường cho cháu Khang và cháu Hòa mỗi người 20 triệu đồng.
Tòa tách yêu cầu đòi bồi thường của 2 gia đình cháu bé còn lại ra thành một vụ án dân sự nếu có yêu cầu.
>> Video: Bảo mẫu hành hạ trẻ nức nở khi ra tòa
Quốc Thắng