![]() |
Hai anh em - vợ chồng Patrick và Susan. Ảnh: BBC. |
"Nhiều người nói rằng chuyện này là tội loạn luân, nhưng chúng tôi chẳng làm gì sai trái cả", người chồng đồng thời là anh trai tên là Patrick Stuebing, nói.
"Chúng tôi cũng như các cặp tình nhân khác. Chúng tôi muốn có gia đình. Gia đình lớn của chúng tôi ly tán khi chúng tôi còn nhỏ, và sau đó, Susan và tôi may mắn tìm lại được nhau", anh nói tiếp.
Patrick 30 tuổi, được nhận làm con nuôi khi còn nhỏ và đến sống ở một thành phố khác. Anh không được gặp mẹ ruột và gia đình mình cho mãi đến năm 23 tuổi. Năm 2000, Patrick liên hệ với một người bạn ở Leipzig và nhờ đó nhận lại được những người thân và họ hàng.
Ngay lần đầu tiên Patrick gặp lại cô em gái - khi mẹ của hai người qua đời - họ đã yêu nhau.
"Khi tôi còn bé, tôi không biết là mình có anh trai. Tôi gặp Patrick và rất kinh ngạc", Susan, hiện 22 tuổi, cho biết. Cô nói thêm rằng cô chẳng hề cảm thấy tội lỗi về mối quan hệ của hai anh em. "Tôi hy vọng luật pháp sẽ thay đổi để công nhận hôn nhân của chúng tôi".
"Tôi chỉ muốn sống với gia đình nhỏ của mình, thế mà giới chức và tòa án lại bắt tôi cô đơn", Susan nói, giọng nghẹn lại.
Ở tù
Patrick và Susan đã chung sống 6 năm qua và có với nhau 4 đứa con. Nhà chức trách địa phương đưa đứa con trai lớn nhất của họ, Eric, đến ở trong một gia đình bảo trợ; hai đứa trẻ nữa cũng được đưa đi nơi khác chăm sóc; chỉ có đứa nhỏ nhất đang ở cùng hai anh em - vợ chồng.
Hôn nhân cận huyết được coi là tội hình sự ở Đức. Patrick Stuebing đã ở tù hai năm vì tội ăn ở với em gái, và sẽ có khả năng tiếp tục vào tù, nếu điều luật nói trên không thay đổi.
Luật sư của đôi vợ chồng này đã đệ đơn kháng cáo lên cơ quan tư pháp cao nhất của Đức - Tòa án hiến pháp liên bang, nhằm kêu gọi thay đổi luật cấm hôn nhân cận huyết.
"Theo luật hình sự của Đức có từ năm 1871, việc họ hàng gần có quan hệ tình dục sẽ bị coi là phạm pháp và hình phạt lên đến 3 năm tù. Luật này đã lạc hậu và vi phạm quyền công dân của đôi vợ chồng kia", luật sư Wilhelm nói.
"Tại sao những người tàn tật, có bệnh di truyền hay phụ nữ trên 40 tuổi vẫn có quyền làm cha mẹ? Không ai nói là họ phạm pháp cả. Đôi vợ chồng này không làm hại ai. Đây chẳng qua là sự phân biệt đối xử", luật sư nói thêm.
Vụ việc châm ngòi một cuộc tranh luận gay cấn ở Đức.
"Chúng ta cần có luật chống hôn nhân cận huyết ở Đức và trên toàn châu Âu", giáo sư Juergen Kunze, một chuyên gia về di truyền ở bệnh viện Charite ở Berlin, nói. "Đó là truyền thống của các xã hội phương tây và luật này là có cơ sở".
"Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng những đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh. Khi anh chị em ruột có con với nhau, tỷ lệ trẻ tàn tật lên đến 50%".
Patrick và Susan thì nói họ không có lựa chọn nào khác ngoài chống lại luật hiện hành. "Các bác sĩ nói rằng trẻ em là con của anh chị em ruột có thể bị tàn tật, thế còn các ông bố bà mẹ tàn tật thì sao, họ vẫn có con đấy chứ?", Patrick nói.
Eric, con trai lớn nhất của hai người, mắc chứng động kinh. Patrick nói rằng đó là do "nó bị sinh non hai tháng".
Năm 2004, anh này đã tự nguyện đi phẫu thuật cắt ống dẫn tinh. Việc này diễn ra sau khi có một số luật sư cho rằng hai người vẫn có thể ở chung nhà, nằm chung giường, chỉ cần không có thêm con thì không ai chứng minh được là họ có quan hệ tình dục, và không phạm pháp.
Luật sư Wilhelm cho hay tòa án hiến pháp sẽ ra phán quyết về vụ việc này trong vài tháng tới: "Chúng tôi được biết rằng phó chủ tịch Tòa án Hiến pháp nói sẽ có những cuộc thảo luận căn bản về vấn đề này ở Đức".
"Nhiều chuyên gia về luật nhận xét rằng chúng tôi đúng, và tôi tin chắc rằng thân chủ tôi sẽ thắng vụ này. Điều luật cấm hôn nhân cận huyết dựa trên những nguyên tắc đạo đức cũ mèm. Luật này đã bị hủy bỏ ở Pháp, và nay là lúc Đức nên làm như thế".
Mai Trang (theo BBC)