Tuyển tập kịch bản cải lương - Nhà Xuất bản Sân khấu phát hành, và Lê Duy Hạnh - Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, được giới thiệu sáng 4/8 tại trụ sở Hội sân khấu TP HCM. Hai tác phẩm giới thiệu 18 kịch bản tiêu biểu trong sự nghiệp soạn giả, như Tâm sự Ngọc Hân, Miền nhớ (cải lương), Bùi Thị Xuân hồi kết cục, Người cáo, Trời Nam (hát bội), Chuyện lạ, Vua thánh triều Lê (kịch nói), Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua (kịch một nhân vật).
Theo đạo diễn Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM, hai tuyển tập là nguồn tham khảo quý cho công tác biên kịch, nhất là với các sinh viên, học viên ngành sân khấu. Đạo diễn cho biết soạn giả để lại hơn 60 kịch bản, đa số là kịch nói và cải lương. Trong đó, nhiều đầu kịch khá phức tạp, khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ phải động não khi dựng vở. "Một số tác phẩm kịch nói hiện đại của ông tích hợp chất liệu chèo, tuồng, cải lương, trong khi các vở truyền thống như cải lương, hát bội lại mang hơi thở hiện đại", Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu nhận xét.
Trong buổi tưởng nhớ, nhiều nghệ sĩ tri ân soạn giả - người góp công mở đường cho sân khấu xã hội hóa thành phố phát triển. Nghệ sĩ Thành Lộc cho biết thập niên 1980, nhiều gương mặt tốt nghiệp từ trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM) nhưng không có đơn vị nào nhận về. Ông Lê Duy Hạnh - khi đó là Tổng thư ký Hội sân khấu - thành lập Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm, tạo "đất sống" cho nhiều đạo diễn, nghệ sĩ trẻ.
Nơi đây giới thiệu nhiều tác phẩm với phong cách nghệ thuật mới lạ từ hình thức dàn dựng đến chủ đề, gây chú ý trong giới mộ điệu. Sau này, câu lạc bộ trở thành Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, cái nôi đào tạo của loạt tên tuổi như Thành Lộc, Việt Anh, Quốc Thảo, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Trang, Ái Như.
"Tôi may mắn có 10 năm là diễn viên sân khấu 5B, nhờ đó kỹ năng diễn xuất được phát triển toàn diện. Người có công chắp cánh cho các đạo diễn, diễn viên trẻ phát huy sáng tạo không ai khác là ông Lê Duy Hạnh. Chúng tôi luôn nhớ về ông như một người anh trong nghệ thuật", nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.
Soạn giả Lê Duy Hạnh quê tại Bình Định, bắt đầu đam mê sân khấu từ năm 12 tuổi khi được xem vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới (tác giả: Kiên Giang - Phúc Quyên), do Thanh Nga đóng vai sơn nữ Phà Ca. Lúc đó, ông ngạc nhiên khi chứng kiến một tác phẩm xuất sắc, từ đó học sáng tác kịch bản. Năm 1976, ông viết vở Sau ngày cưới, Thanh Nga vào vai một bà mẹ hy sinh cho cách mạng.
Ông bắt đầu sáng tác kịch bản sân khấu lịch sử năm 1980 với tác phẩm Tâm sự Ngọc Hân. Vở kịch được Đoàn Cải lương Văn công TP HCM diễn trên 700 suất, tạo dấu ấn cho nghệ sĩ Mỹ Châu (vai Ngọc Hân) và nghệ sĩ Tuấn Thanh (vai Nguyễn Huệ). Nhiều kịch bản khác của ông sau đó tiếp tục gây tiếng vang, như Hoa độc trong vườn (viết về Ngô Quyền), Lý Chiêu Hoàng, Hoàng hậu hai vua (Dương Vân Nga), Hồn thơ ngọc (Ngọc Hân), Dời đô (Lý Công Uẩn), Sáng mãi niềm tin (Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong).
Ngoài ra, ông sáng tác nhiều kịch bản hình thức thể nghiệm như: Người cáo, Chuyện lạ, Hồn tuồng, Diễn kịch một mình, Trở về miền nhớ, Thần tượng thực, Nỗi đau nhân loại. Một thời gian, ông giữ chức Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM, xây dựng cuộc thi Trần Hữu Trang để khuyến khích các tài năng trẻ. Ông từng đoạt giải thưởng Nhà nước, Huân chương lao động hạng nhất và nhiều giải thưởng.
Mai Nhật