Khán đài sân Lạch Tray, trận Hải Phòng - HAGL. Một nhóm CĐV của đội khách mặc đồng phục đẹp mắt, đứng hát hò cổ vũ gần như suốt trận. Trong khoảng gần 50 người ấy, chỉ có một vài gương mặt nam giới, đa phần là các cô gái trẻ, đẹp.
Cách đây 4 năm, cũng nơi đây đã xảy ra hiện tượng sốt vé đối với chính CĐV chủ nhà, khi HAGL đến làm khách. Đó là năm đầu tiên lứa U19 được bầu Đức đôn lên đá V-League, tạo ra một cơn sốt về ngôi sao và bóng đá đẹp.
Thời gian trôi qua, số lượng ít ỏi CĐV của HAGL trong trận đấu hôm thứ Bảy đã nói lên tất cả. Cầu thủ được chờ đợi nhất hiện nay của họ là Nguyễn Tuấn Anh chỉ được vào sân vài phút cuối. Những cơn đau dường như lại tái phát trên đôi chân vừa chữa trị chấn thương lần thứ ba trong vòng hai năm của tiền vệ tài hoa này. Lối chơi của HAGL thì bị bóp nghẹt bởi thế trận phòng thủ - phản công được tổ chức hợp lý của Hải Phòng, nên CĐV của họ trên khán đài cũng chẳng có nhiều dịp để reo hò. Không ngôi sao, cũng chẳng thể tấn công đẹp mắt, HAGL sau trận thua thứ ba liên tiếp mới có 3 điểm sau 4 vòng. Nếu không có gì bất ngờ, mùa này họ sẽ lại tiếp tục kết thúc mùa giải với vị trí từ thứ 10 trở xuống - như nhiều năm gần đây.
Cái tỷ lệ nam ít - nữ nhiều của nhóm CĐV đội khách còn cho thấy một vấn đề khác. Nó dễ làm người ta liên tưởng với buổi biểu diễn của một nam ca sỹ hơn là một trận bóng đá nam. Rất nhiều người hâm mộ từng cảm ơn HAGL của bầu Đức đem lại sự tươi mới cho bóng đá nội địa, truyền cảm hứng bóng đá cho nhiều thành phần, giới tính trong xã hội, mang đến sắc màu trẻ trung cho các khán đài. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên sân Lạch Tray cho thấy HAGL không chỉ mất về lượng CĐV, mà "chất" cũng chẳng còn.
Trong bóng đá, thành tích vẫn quyết định tất cả. Bốn năm liên tiếp, HAGL kết thúc ở nửa dưới bảng điểm, điều này cho thấy họ không có bất kỳ sự tiến bộ nào về chuyên môn. Số lượng cầu thủ HAGL được triệu tập lên đội tuyển quốc gia ngày càng giảm, trong khi đội hình đăng ký của họ trong mùa này chỉ có ba cầu thủ sinh sau năm 1997. Lứa cầu thủ thuộc các khóa 3 và khóa 4 của Học viện HAGL cũng chỉ có bốn người được gọi vào đội tuyển U19 Việt Nam. Như vậy, HAGL đang rơi vào tình trạng không còn ngôi sao cũng chẳng có tuyến kế thừa kịp lúc. Với chất lượng con người như vậy, dù thay HLV Dương Minh Ninh, triển vọng thành công của đội bóng phố núi cũng chẳng thể sáng sủa hơn. Ngay cả mục tiêu "chơi đẹp mà không quan tâm đến kết quả" - từng được bầu Đức xác định - cũng chẳng thể thực hiện. Con người như vậy, có muốn đá đẹp cũng không thể.
Lấy ví dụ từ trận Hà Nội - SLNA hôm qua. Đều là những "lò" cung cấp cầu thủ trẻ hàng đầu cho bóng đá nước nhà, nhưng khi kết quả là 4-0 nghiêng về Hà Nội, các khán đài sân Hàng Đẫy đã vắng đi một lượng lớn các CĐV áo vàng mà đa phần cũng là... nữ giới. Có trong một trận đấu cụ thể như vậy mới thấy rằng muốn chơi bóng đá đẹp mắt, tiêu khiển và chiến thắng thì cần phải có những con người phù hợp.
Khi Công Phượng, Xuân Trường được đem cho mượn ở các CLB nước ngoài, những dấu hỏi đã được đặt ra. Cá nhân các cầu thủ này có phát triển được tài năng hay không thì chưa biết, vì điều đó còn phụ thuộc vào thành tích của đội bóng mà họ đang thi đấu. Nhưng, với những người ở lại như Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn... thì thật không công bằng. Bởi, nếu những đồng đội ấy còn ở lại, rất có thể HAGL đã đạt thành tích tốt hơn.
Hợp đồng của các lứa cầu thủ Học viện HAGL kéo dài đến khi họ 28 tuổi, chứ không phải là sau 23 tuổi sẽ được tự do ra đi như các đội bóng khác. Điều này có nghĩa, nếu HAGL không bán cho các CLB nước ngoài như chủ trương ban đầu của Học viện, thì các cầu thủ vẫn sẽ đá cho đội bóng chứ không được phép chuyển sang chơi cho CLB khác. Cũng có nghĩa, trong tình huống xấu nhất, dù đang là tuyển thủ, trụ cột của quốc gia nhưng nhiều cầu thủ HAGL sẽ không có được danh hiệu nội địa nào ở giai đoạn đỉnh cao của họ.
Đóng góp của bầu Đức và HAGL với bóng đá Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chiến lược làm bóng đá của họ có vẻ như đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, khiến cho vẻ đẹp thuở ban đầu dần lạc lối.
Song Việt