Đội đầu bảng TP HCM đang được dẫn dắt bởi HLV Chung Hae-seong. Đó là một nhân vật tiếng tăm của bóng đá Hàn Quốc, từng hai lần làm trợ lý ở đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2002 và 2010, cũng như thành công ở nhiều CLB tại K-League. Ở quê nhà, so với người bạn và đồng hương Park Hang-seo, Chung nổi tiếng hơn nhiều. Khi bầu Đức mời Chung sang làm Giám đốc kỹ thuật cho HAGL hồi tháng 10/2017, ông Park thậm chí chưa được CĐV Việt Nam quan tâm. Bởi thế, từng có ý kiến cho rằng bầu Đức đã chọn "chén ngọc" cho HAGL, đưa "chén sành" cho VFF.
Thực tế thì Chung đúng là... hàng hiệu. Khi rời Pleiku xuống TP HCM, đó là một bước lùi với ông. Từ chiếc ghế Giám đốc kỹ thuật ở một đội bóng nổi tiếng, ông tiếp nhận một CLB TP HCM trong cơn khủng khoảng thành tích sau thời Toshiya Miura. Mùa này, TP HCM không mua sắm rầm rộ như lúc Lê Công Vinh còn làm Chủ tịch. Bản hợp đồng quan trọng nhất chỉ là Ngô Hoàng Thịnh, vốn phải "tháo chạy" khỏi Thanh Hóa. Nhưng sau 6 trận, TP HCM đang bất bại, thể hiện phong độ được kỳ vọng đủ sức đối đầu với nhà vô địch Hà Nội FC.
Không thể nói là TP HCM có lực lượng tốt. Cũng những con người đó, hai năm liên tiếp đứng thứ 12 kể từ sau khi trở lại với V-League. Không một cầu thủ nào của TP HCM có tên ở đội tuyển quốc gia và U23 hiện nay. Năm 2017 họ chỉ thắng 6 trận, và năm 2018 là 7 trận, nhưng đến nay họ đã thắng 5 trận. Sự thay đổi hoàn toàn về mặt thành tích nếu không đến từ HLV thì từ đâu?
Việc ông Chung chia tay HAGL cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Nhưng nếu nhìn vào cách chơi dựa trên nền tảng phòng ngự hiện nay của TP HCM, có thể hiểu vì sao ông thầy Hàn Quốc phải rời phố núi. Yếu tố chiến thuật, tính hiệu quả trong thi đấu là một đặc tính của bóng đá Hàn Quốc, và nó không thể áp dụng tại HAGL chỉ theo đuổi một suy nghĩ: phải đá đẹp. Sự có mặt của một Giám đốc kỹ thuật như Chung tại HAGL vì thế là vô nghĩa. Ngược lại, ở TP HCM, ông đã được Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng "dọn sẵn" một dàn cầu thủ đến từ lò SLNA, đó là Phi Sơn, Hoàng Thịnh, Quế Ngọc Mạnh, Vũ Quang Nam... đa số đều phù hợp với triết lý của Chung.
Chuyện những người xứ Nghệ đang thành công cùng TP HCM khiến người hâm mộ thêm phần bất ngờ khi SLNA đã vươn lên xếp thứ 3, chỉ kém đội đầu bảng 3 điểm. Lẽ ra đầu mùa, Ngô Hoàng Thịnh đã về lại SLNA sau khi rời Thanh Hóa. Một trường hợp khác cũng tương tự, đó là Trọng Hoàng đến Viettel. Không chỉ "hụt" hai ngôi sao ấy, SLNA còn mất trung vệ Quế Ngọc Hải cho Viettel và trong giai đoạn đầu mùa, cũng thiếu sự phục vụ của Phan Văn Đức cùng một loạt cầu thủ khác do chấn thương. Thế nhưng, SLNA không cho thấy mình suy yếu. Thậm chí, đây còn là giai đoạn khởi đầu tốt nhất của họ trong 5 năm qua.
HLV của SLNA hiện nay là Nguyễn Đức Thắng, nhà cầm quân duy nhất tại V-League xuất thân từ thủ môn, đồng thời cũng là HLV trẻ nhất của SLNA lúc nhậm chức. Hầu như không có kinh nghiệm nhưng chỉ trong hai mùa cầm quân, ông được xem là đã trả lại vị thế cho SLNA thông qua vị trí thứ 4 mùa trước cũng như thành tích đầu mùa này. Dưới thời ông Thắng, "quân" SLNA lên các đội tuyển cũng nhiều hơn. Một lần nữa, người ta phải nhắc đến khả năng đào tạo mang tính thực tế về con người, tạo ra sự thích ứng với mọi phong cách chiến thuật của lò đào tạo này.
Trong khi đó, HAGL chưa bao giờ tệ hơn lúc này. Tỷ lệ thua trận của họ hiện nay là 67%, tức là cao hơn mức trung bình bốn mùa trước (47%). Họ đã có trong tay những Giám đốc kỹ thuật "hàng hiệu", đã cố gắng sử dụng nguồn lực HLV mang trên mình truyền thống và sự am hiểu CLB, nhưng vẫn thất bại và hầu như không có cơ may để thay đổi. Bản chất thất bại của HAGL không liên quan gì đến công tác huấn luyện, cũng không phải là lỗi của các cầu thủ, khi ai cũng thấy những Văn Toàn, Tuấn Anh, Minh Vương... đã vắt kiệt sức lực của mình để cống hiến.
Một ngày sau trận thua đậm Quảng Nam, HLV Dương Minh Ninh đã từ chức. Đó là điều cần thiết, nhưng có lẽ chưa đủ. Họ phải dũng cảm phá bỏ lối suy nghĩ và giải thoát gánh nặng mà lối suy nghĩ đó đang đè trên đôi chân các cầu thủ.
Song Việt