Surabaya, hai năm trước, chung kết giải U19 Đông Nam Á giữa Indonesia và Việt Nam. Suốt 120 phút của trận đấu, kể cả khi đối diện với những pha đốn giò lộ liễu của đội chủ nhà, các cầu thủ Việt Nam vẫn thể hiện lối đá kỹ thuật, không phản ứng trọng tài, không gây hấn đối phương và rất fair-play.
U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ thuộc lứa một Học viện HAGL Arsenal JMG đi vào lòng khán giả nước nhà từ trận cầu ấy. Giữa một nền bóng đá đang như sa mạc khủng hoảng niềm tin, họ xuất hiện như một ốc đảo mát lành. Đó là một tập thể trẻ theo kiểu châu Âu hiện đại, với những cầu thủ có học vấn và tài năng, được đào tạo cơ bản. Thành tích sân cỏ là những chiến thắng trước các nền bóng đá mạnh như Thái Lan hay Australia đưa HAGL cùng lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... thành thần tượng của đông đảo người yêu bóng đá nước nhà.
Trong kỳ vọng lớn lao sẽ làm nên một điều gì đó có tính lịch sử, bầu Đức thực hiện một nước cờ mạo hiểm. Ông thanh lý hầu hết cầu thủ cũ vốn có kinh nghiệm chinh chiến ở đội một để lấy chỗ cho các mầm non và đưa họ lên tham gia V-League 2015. Sau trận ra quân đánh bại Khánh Hòa, HAGL chỉ thắng được hai trận nữa trong 16 trận kế tiếp (trước Đà Nẵng ở vòng 5 rồi Bình Dương ở vòng 17), tụt xuống đáy bảng. Qua 22 vòng, họ vỏn vẹn được 17 điểm (bốn thắng, năm hòa và 13 thua), đối diện nguy cơ xuống hạng. Những kỳ vọng lớn lao hóa thành thất vọng, rồi thất vọng chuyển sang nghi ngờ. Năng lực của các cựu cầu thủ U19 bị đặt dấu hỏi.
Giữa muôn vàn sức ép, HAGL bắt đầu thay đổi. Ngày 12/7, họ gặp FLC Thanh Hóa. Những phút cuối trận, Đình Tùng ghi bàn ấn định thắng lợi 2-1 cho đội bóng xứ Thanh sau tình huống có vẻ như bóng đã chạm tay tiền đạo này trong vòng cấm. Các cầu thủ HAGL phản ứng dữ dội. Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh thậm chí lao thẳng vào sân, còn hậu vệ cánh Văn Sơn đòi ăn thua đủ với trọng tài chính. Lúc ấy, có một thứ gì đó đã mất.
Hai năm trước ở Surabaya, cũng chính những chàng trai ấy vẫn lịch thiệp với trọng tài, lịch sự với đối thủ dù bị phạm lỗi một cách có hệ thống. Vậy mà giờ đây, khi đối mặt với những bất công phải nhận, họ đã hành xử rất đỗi bản năng. V-League tàn bạo và khắc nghiệt đã thay đổi những cầu thủ U19 năm nào. Bầu Đức đã quá chủ quan trong việc thay máu đội hình. Những cậu bé của ông dù tài năng nhưng không có chỗ dựa và bản lĩnh chưa đủ để đối phó với các “ngón nghề” ở V-League. Họ phải căng mình để tồn tại, mà để làm được điều đó thì không hiền lành được nữa. Sự bơ vơ của họ cũng có lỗi từ những phát ngôn của bầu Đức, trong cả những ngợi ca của người hâm mộ HAGL. Tất cả đã vô tình trở thành vết dao đâm vào lòng tự ái của 13 đội bóng còn lại, khiến họ xem việc thắng HAGL như một nghĩa vụ.
Sự thay đổi diễn biến không chỉ trên sân cỏ, mà còn lên đến thượng tầng khi Bầu Đức quyết định chia tay HLV Graechen. Việc "thay tướng để đổi vận" vốn dĩ là điều bình thường trong bóng đá. Chưa kể, xét trên phương diện chuyên môn, nhà cầm quân này cho thấy ông hợp với vai trò thầy giáo ươm mầm những tài năng trẻ, hơn là một HLV bản lĩnh, cáo già trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng quyết định chia tay ông thầy người Pháp cho thấy một điều lớn lao hơn rằng: HAGL không thể sống với những lý tưởng ban đầu nếu muốn tồn tại trong thế giới V-League bây giờ. Có thể nói, sa thải HLV Graechen là một đòn đánh mạnh về sự thay đổi tư duy chơi bóng và việc theo đuổi triết lý bóng đá đẹp của đội bóng phố núi.
Đúng một tuần sau khi sa thải “thầy Giôm”, tân HLV Nguyễn Quốc Tuấn đưa đội nhà giành chiến thắng ngược dòng 3-1 trước SLNA. Nhưng đó là một chiến thắng mà từ trước trận đấu giới thạo tin đã khẳng định nó sẽ xảy ra, bất chấp sự chênh lệch về phong độ lẫn sức mạnh của hai đội. Hình ảnh các cầu thủ SLNA “dửng dưng” với quyết định thổi 11m trong một tình huống 50-50 của trọng tài Đức Vũ là một điều khó lý giải. HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai sau đó một ngày đã công khai những nghi ngờ về trận đấu ở Pleiku. Rồi trọng tài Trần Mạnh Hùng - cựu còi vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam năm 2006 - cũng thẳng thắn nhận xét: "Chỉ có hai cầu thủ ngoại của SLNA là còn giữ được phong độ tốt và tinh thần máu lửa, còn lại từ Ngọc Hải, Quang Tình, Phi Sơn, cho đến Mạnh Hùng đều chỉ thể hiện được một nửa khả năng và không đúng với tinh thần của Sông Lam".
Thực ra, những điều trên đều là "chuyện thường ngày" của V-League, như việc Đồng Nai đánh bại một Thanh Hóa đang có phong độ rất cao với tỷ số 5-2, hay Cần Thơ giành chiến thắng 2-1 ngay trên sân cựu vương Đồng Tâm Long An. Nhưng nếu đặt cạnh cái tên HAGL, đó lại là vấn đề lớn. Bởi nếu đội bóng phố núi cũng tham gia vào cơ chế xin - cho vốn là một quy luật ngầm của V-League suốt bao năm qua, thì có thể nói rằng đến lúc sa cơ, họ cũng trở nên bình thường như bao đội bóng khác.
Những phù phiếm trôi qua, mọi cách tân hóa thành hư vô. Cuối cùng, dòng xoáy V-League cũng cuốn trôi HAGL đi rồi.
Dũng Phan