Trận Sài Gòn FC – HAGL hôm 17/1 ghi nhận 14.500 người đến sân Thống Nhất, chỉ kém sân Thiên Trường (16.000 người). Do điều kiện còn hạn chế của các sân bóng Việt Nam, cũng khó phân biệt chính xác lượng khán giả đông đảo ấy đến sân từ sức hút của đội bóng nào. Tuy nhiên, có thể sử dụng vài con số để so sánh.
Mùa trước, Sài Gòn FC đá chín trận có khán giả trên sân Thống Nhất và đạt được kết quả thi đấu tích cực, thậm chí đua tranh chức vô địch đến vòng áp chót, nhưng tổng lượng khán giả cả mùa thấp nhất giải, chỉ khoảng 24.000 người (do thể thức, cả hai trận đấu của họ với HAGL đều diễn ra ở Pleiku). Khán giả đến sân ít không có gì bất ngờ với Sài Gòn FC, bởi mùa trước đó nữa, khi chưa chuyển sang chủ mới, họ vẫn đứng chót bảng về khán giả với tổng cộng 49.000 lượt người đến xem 13 trận trên sân nhà.
Như vậy, chỉ một trận đấu với HAGL mùa này, lượng khán giả đã vượt hơn 60% cả mùa trước. Các hoạt động truyền thông, tương tác khán giả cũng như lối chơi giàu khát vọng của đội bóng do HLV Vũ Tiến Thành huấn luyện đã tạo ra những bước chuyển biến lớn lao. Nhưng, cũng chính ông Thành phải thừa nhận, HAGL mới là đối tác cộng hưởng để đem đến lượng khán giả đáng mơ ước như vừa qua. Rõ ràng, số khán giả đến sân để cổ vũ cho Sài Gòn FC giành chiến thắng sẽ khó mà cao hơn sự hiếu kỳ của người hâm mộ đến để xem màn ra mắt cũng như kết hợp của Kiatisuk Senamuang, Công Phượng... bên phía HAGL.
Vấn đề là HAGL có gì khác trước?
Đây là trận thua đáng tiếc của HAGL, nhất là trong 15 phút cuối với hai hoặc ba tình huống mà bàn thắng gần như đã xuất hiện nếu không có tài nghệ của thủ thành Văn Phong và xà ngang. Việc dồn ép được đối phương trong những phút cuối trận, buộc đội chủ sân Thống Nhất rơi vào trạng thái chống đỡ mà không thể tổ chức được pha phản công ra hồn nào, có thể xem là một thành công của Kiatisuk, người chỉ có khoảng 15 ngày làm việc chuyên môn với đội bóng vốn dĩ tồn tại nhiều vấn đề về tư duy chơi bóng như HAGL. Kiatisuk chưa để lại dấu ấn chuyên môn nào cụ thể, nhưng cũng kịp đưa ra một thông điệp dứt khoát: HAGL không còn là đội bóng "thua cũng được". Ít nhất, họ đã quyết tâm không để thua, dù Kiatisak vẫn nở "nụ cười ngoại giao" như được lập trình sau trận đấu.
Nhưng, về mặt công việc, HAGL cần nhiều hơn những nụ cười như thế. Bởi, dù đã thay đổi về thái độ thi đấu, tính hiệu quả của HAGL vẫn chẳng khác trước. Họ sút cầu môn đến 16 lần nhưng chỉ bốn lần đưa bóng đi đúng hướng mà chẳng có bàn nào. Sự tương phản rất rõ ràng, Sài Gòn FC chỉ sút năm, hai trong số đó bóng đi đúng hướng và ghi một bàn. Những tình huống nguy hiểm ít ỏi ấy của Sài Gòn FC đều đến từ phản công. Đáng chú ý nhất là bàn mở tỷ số của Đỗ Merlo, xuất phát từ một pha cướp bóng từ giữa sân, dẫn bóng rồi sút xa hoàn hảo. Tại sao Đỗ Merlo, người vẫn quen với vị trí trong vùng cấm địa để đón bóng đánh đầu hoặc làm "cầu 2", thì lại xuất hiện ở giữa sân để tham gia phòng ngự? Câu trả lời khá đơn giản, đó là vì yếu tố chiến thuật là giá trị cốt lõi trong cách vận hành đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành. Nói cách khác, mọi cầu thủ đều phải biết rõ công việc của mình trước khi vào sân. Sài Gòn FC xây dựng tính chiến thuật làm nền tảng cho thành công.
Đó chính là điều không dễ dàng dành cho Kiatisuk. Cầu thủ HAGL không quen với việc phải đá theo diễn biến từng trận đấu. Họ đã quen với kiểu tấn công thì tấn công nhưng... không biết có ghi bàn được không. Họ thừa nhiệt tình nhưng không đủ quyết tâm để đạt hiệu quả. Chính bầu không khí quen thuộc ấy đã khiến cầu thủ HAGL khó thay đổi, và làm cho nhiều HLV phải thất bại. Ngược lại, với một đội như Sài Gòn FC, với nền tảng "chơi bóng bằng tư duy" thì ngay cả khi họ thay đổi hết đội hình cũ, rồi một "ông già" như Đỗ Merlo (39 tuổi) cũng hòa nhập rất nhanh.
Tin tốt lành cho Kiatisuk, khi tiền vệ Tuấn Anh có thể trở lại tại vòng 2 trên sân nhà trong trận đấu với "mối quen" SLNA. Cựu HLV đội tuyển Thái Lan cần một người có tư duy chiến thuật ở trên sân để truyền đạt những ý đồ chiến thuật của ông thông qua việc điều tiết nhịp điệu. Bởi, suy cho cùng Kiatisuk cũng không phải là người thi đấu trực tiếp trên sân, dù giỏi đến mấy và chuẩn bị kỹ đến đâu.
Song Việt