Trước khi Tăng Tiến nhận thẻ đỏ vì pha đạp vào đầu gối Duy Mạnh. HAGL đang bị dẫn 1-0. Sau khi trung vệ này rời sân, đội khách nhận thêm bốn bàn thua. Rõ ràng chiếc thẻ đỏ của Tăng Tiến là một tình huống mang tính bước ngoặt, phá hỏng một trận đấu vốn được mong chờ đến mức khiến sân Hàng Đẫy lần đầu tiên kể từ trận chung kết Tiger Cup 1998 lâm vào tình trạng cháy vé. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là lý do khiến HAGL trở thành những con cừu non tội nghiệp trước bầy sói mặc áo tím bên phía chủ nhà Hà Nội.
Tình huống Xuân Trường nhận thẻ vàng vì cãi trọng tài mới là chi tiết quan trọng. Từ khi đưa lứa U19 năm 2014 lên đá V-League, bầu Đức cấm tiệt hai điều: chơi xấu và cãi trọng tài. Nhưng chỉ trong trận đấu hôm qua, HAGL của ông đã phạm cùng lúc hai điều tối kị ấy. Sự việc đó chắc chắn không phải ngẫu nhiên, mà chỉ là kết quả của một quá trình.
Xuân Trường mới trở lại V-League sau hai năm thi đấu ở Hàn Quốc. Anh là đội trưởng U23, đội phó trên tuyển Việt Nam. Hơn ai hết Xuân Trường biết rõ hậu quả của những phản ứng kiểu như vậy. Nhưng có lẽ anh đã không thể chịu đựng mãi. Đá ở giữa sân, Xuân Trường phải chứng kiến cảnh đồng đội Văn Toàn hai lần phải tự đấm tay xuống mặt cỏ sau khi bị phạm lỗi mà trọng tài khoát tay bỏ qua cho cầu thủ Hà Nội.
Theo phản xạ thông thường, cầu thủ bị té ngã sẽ phàn nàn với trọng tài. Điều đó ngày nào chẳng xuất hiện ở các giải đấu đỉnh cao, tại những nền văn minh cao nhất thế giới. Bởi đấy là cách để họ tự bảo vệ. Phản ứng không có nghĩa là “tố” trọng tài thiên vị, mà là cách để khuyến cáo, nhằm tránh bị thiệt thòi ở các tình huống sau đó. Nhưng, Văn Toàn và nhiều cầu thủ HAGL khác chỉ biết cúi đầu chấp nhận.
Xuân Trường đã không làm điều tương tự. Anh phản ứng một cú cắt còi khó hiểu của trọng tài và nhận thẻ vàng. Chiếc thẻ đó có thể đã vi phạm "lệnh cấm" từ bầu Đức, nhưng nó lại là thái độ cần thiết để bày tỏ quan điểm cũng như bảo vệ đội bóng của anh trên sân.
HAGL thua Hà Nội là điều không phải bàn cãi, bởi chênh lệch quá lớn về mặt chuyên môn. Nhưng đó vẫn sẽ là một trận cầu hay nếu đội bóng đến từ Tây Nguyên không tự bó buộc mình.
Suốt ba năm qua, HAGL luôn ra sân cùng tâm niệm về hai điều cấm do ông chủ ban hành. Họ không dám đá rắn với đối phương, kể cả khi đang rơi vào tình trạng phải phạm lỗi. Họ không dám phản ứng trọng tài, chỉ vì sợ điều đó làm hỏng hình ảnh của đội bóng.
Sự ức chế ngày càng lớn. Các đối thủ lại biết quá rõ, tìm cách gây thêm ức chế bằng những tiểu xảo. HAGL dần dần biến thành một cỗ máy đá bóng, với chỉ một lệnh duy nhất là: chơi đẹp. Họ không được lập trình để phòng vệ, tránh tổn thương cho bản thân. Họ phải kìm hãm cảm xúc cá nhân, và khi đối thủ tập trung khai thác điểm yếu đó, tự nhiên các cầu thủ HAGL lại biến thành nạn nhân của chính họ.
Thống kê cho thấy qua ba mùa lên đá V-League, HAGL đã nhận tổng cộng 11 thẻ đỏ - con số cao nhất trong cùng thời gian. Chưa có thẻ đỏ nào mang tính chất thô bạo như trường hợp của Tăng Tiến vừa qua, nhưng nếu cứ theo cái lộ trình này, biết đâu sự thô bạo tương tự sẽ còn xuất hiện. Bởi cầu thủ HAGL có được đào tạo tốt đến đâu, văn hóa tốt đến đâu, nhưng khi đã rơi vào trạng thái ức chế có tính hệ thống, sai lầm vẫn sẽ đến.
Bầu Đức luôn xem lứa cầu thủ con cưng trưởng thành từ học viện HAGL Arsenal JMG mà ông dồn biết bao tâm huyết như những đứa con, đứa cháu trong nhà. Nhưng những đứa trẻ ấy đã lớn rồi. Cố gắng nuôi dạy cho tốt không đồng nghĩa với việc cứ bảo bọc mãi. Ông không thể bắt họ phải cố gắng làm người tốt, bằng những bản án khắc nghiệt như trường hợp cấm thi đấu Tăng Tiến suốt phần còn lại của lượt đi, chỉ vì một pha mất kiểm soát trên sân bóng.
Bóng đá bạo lực đáng bị tẩy chay, và cần có những án phạt thật nặng để ngăn ngừa. Nhưng để hóa giải bạo lực, đôi khi những nhà làm bóng đá như bầu Đức cũng cần có sự cảm thông, thấu hiểu chứ không chỉ trừng phạt.
Song Việt