Ngày 1/3, Reuters dẫn lời Cyfirma - công ty an ninh mạng có trụ sở đặt tại Singapore - cho biết nhóm hacker APT10 từ Trung Quốc - còn được gọi là Stone Panda - đã nhắm đến các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm chuỗi cung ứng của Bharat Biotech và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.
"Một số máy chủ của SII đang chạy trên nền tảng web bảo mật kém, dễ bị tấn công. Ngoài ra, hệ thống quản lý nội dung của cơ quan này cũng đang trong mức đáng báo động", Kumar Ritesh - Giám đốc điều hành của Cyfirma nói.
Reuters cũng dẫn lại thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ năm 2018 rằng APT10 đã hoạt động cùng Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về các thông tin liên quan đến nhóm tin tặc này.
Đây không phải lần đầu tiên, hacker bị cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công nhằm đánh cắp thông tin về vaccine Covid-19. Ngày 13/11, Microsoft thông báo về nhóm hacker của Nga có biệt danh "Fancy Bear" cùng hai tin tặc Triều Tiên "Zinc" và "Cerium" liên quan đến việc tấn công vào mạng nội bộ của 7 công ty dược phẩm, vaccine và các nhà nghiên cứu ở Canada, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ. Phần lớn mục tiêu là các tổ chức đang trong quá trình thử nghiệm vaccine Covid-19. Hầu hết nỗ lực tấn công đều thất bại nhưng một số tin tặc khác có thể đã thành công.
Một tháng sau, nhà sản xuất thuốc Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech SE đến từ Đức cho biết các tài liệu liên quan đến việc phát triển vaccine Covid-19 của họ đã bị "truy cập bất hợp pháp" trong một cuộc tấn công mạng.
Các cáo buộc về gián điệp Internet được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước lớn trên thế giới liên tục đưa ra những thông tin hậu trường trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine Covid-19. Microsoft và các công ty an ninh mạng quốc tế cũng đang đẩy nhanh tốc độ phát triển bộ quy tắc toàn cầu mới nhằm ngăn chặn các hành vi tấn công kỹ thuật số nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Khương Nha (theo Reuters)