Theo Bộ Nội vụ Ukraine, Bogachev – hacker Nga khét tiếng đang bị FBI truy lùng gắt gao – đang "làm việc dưới sự giám sát bởi một đơn vị đặc biệt của FSB" (cơ quan tình báo chính của Nga). Một cựu trợ lý phụ trách an ninh mạng của FBI cũng tiết lộ với New York Times rằng, Bogachev đang nhận các "gói thầu tình báo" cho Nga, nhắm mục tiêu về kinh tế và các vấn đề khác, và được điện Kremlin bảo vệ.
Bogachev tên đầy đủ là Evgeniy Mikhailovich Bogachev, 33 tuổi, sử dụng nhiều biệt danh khác nhau như "lucky12345," "slavik," "Pollingsoon", được FBI đánh giá nguy hiểm nhất trong giới tin tặc hiện nay. Trước khi được biết đến, hacker này từng tạo và bán các phần mềm độc hại trên một số web đen (dark web).
Tuy nhiên, hacker này nổi tiếng khi tạo ra GameOver Zeus - mã độc đã xâm nhập tài khoản ngân hàng tại 12 quốc gia và đánh cắp số tiền hàng trăm triệu USD. Chỉ riêng tại Mỹ, Gam Over Zeus đã lây nhiễm hơn 1 triệu máy tính của hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và đánh cắp hơn 100 triệu USD. Đây cũng là số lượng máy tính cao nhất mà hacker này kiểm soát.
Không chỉ GameOver Zeus, Bogachev cũng là tác giả của ransomware CryptoLocker. Khi máy tính bị nhiễm phần mềm tống tiền này, chủ nhân của nó sẽ không thể truy cập vào các tài liệu trên máy tính của họ, trừ khi chi ra một khoản tiền chuộc. Bogachev đã kiếm được số tiền ước tính 27 triệu USD trong vòng chưa đầy hai tháng từ CryptoLocker.
Cách thức GameOver Zeus tấn công người dùng
2011 được cho là năm mà Bogachev nhận được các đơn hàng liên quan đến chính trị. Tháng 12/2016, hacker này cùng 5 người khác bị FBI truy nã vì cho rằng họ đã nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Riêng Bogachev bị truy nã với phần thưởng lên tới 3 triệu USD và là tội phạm mạng đắt giá nhất của FBI. Tuy vậy, tên này được cho là vẫn đang sống cuộc sống cao sang tại Anapa, một thị trấn nghỉ mát trên biển Đen, miền nam nước Nga. Ngoài căn biệt thực sang trọng, Bogachev còn có một bộ sưu tập xe hơi đắt tiền và một du thuyền.
Có nhiều nghi vấn cho rằng Nga đang tuyển dụng hacker từ dark web. FBI nghi ngờ FSB thay vì bắt giữ những phần tử tội phạm mạng nguy hiểm lại đang chuyển qua tận dụng khả năng của họ cho mục đích riêng.
"Hầu như các tin tặc được Mỹ công bố và truy nã đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía chính phủ Nga. Chúng được hỗ trợ đầy đủ về hậu cần và kỹ thuật", Arkady Bukh - một luật sư ở New York, người thường xuyên đại diện cho tin tặc Nga bị bắt tại Mỹ - cho biết.
Một quan chức thực thi pháp luật của Mỹ, cũng như công ty an ninh mạng Fox-IT của nước này cho rằng chính phủ Nga đang quan tâm đến các thông tin tình báo liên quan đến Ukraina và Mỹ. Để thực hiện ý đồ này, Nga đã thu nhận các hacker giỏi, kể cả những tên tội phạm mạng đang bị truy nã, cho họ một cuộc sống xa xỉ và nhiệm vụ duy nhất chỉ là xâm nhập các mục tiêu đã đề ra.
Phía Nga chưa đưa ra bình luận nào.
Bảo Lâm