Bác Ngọc ôm lấy bà nội tôi và nghẹn ngào "Mẹ, con về thăm mẹ đây". Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy nếp nhăn của bà. Bà rút khăn lau nước mắt mà không nói nổi câu nào. Bố mẹ tôi đứng lặng vì xúc động. Tôi với thằng Minh, con Hạnh nép sau cánh cửa chứng kiến cuộc hội ngộ của bác và gia đình sau hơn 20 năm. Đó là ngày 28 Tết có mưa bụi, cành đào phai ngoài sân lấm tấm trổ hoa, tôi sắp tròn 10 tuổi.
Bác Ngọc là con nuôi của bà nội từ thời chống Mỹ. Bà kể rằng, năm đó, làng tôi được đón một đoàn bộ đội từ trong Nam ra an dưỡng. Đa số họ đều mang trong mình căn bệnh sốt rét. Bác Ngọc ở nhà tôi và được bà chăm sóc không khác gì bố. Vì ông nội là liệt sĩ chống Pháp, nên bà luôn dành tình cảm thương yêu nhất cho những người lính. Sau khi khỏi bệnh, bác vào Nam tiếp tục chiến đấu. Kể từ ngày ấy, gia đình tôi không gặp lại bác. Trong tâm trí ngây thơ của mình, tôi chỉ hình dung bác là một dũng sĩ diệt giặc như bài học cô giáo dạy. Khi gặp bác, tôi thấy bác rất gần gũi. Bác quan tâm tôi nhưng không nuông chiều như bố mẹ và bà mà bảo cho tôi biết nhiều thứ. Từ hôm bác về, tôi thay việc chạy lăng xăng thổi bong bóng với thằng Minh, con Hạnh bằng việc quấn quýt bên bác.
29 Tết, bác cháu tôi bưng cái thúng đựng lá dong ra giếng làng rửa để chuẩn bị gói bánh chưng. Bác chỉ cho tôi cách rửa để lá sạch mà vẫn không bị nát. Buổi chiều, bác lấy gỗ đóng thành một cái khuôn rất chắc chắn, tôi và bố ngồi chẻ lạt. Tôi lấy làm thích thú, vì mọi năm, bố vẫn gói bằng tay và không buộc lạt mà dùng găm tre.
Sáng 30, tôi dậy sớm cùng bác gói bánh chưng. Tôi giúp bác đong đỗ, nếp vào cái chén con. Bác vừa làm, vừa chỉ cho tôi. Đó là năm đầu tiên tôi tập gói bánh chưng. Tôi tự gói cho mình một cái, mặc dù nó không đẹp nhưng bác Ngọc khen nhiều làm tôi tự hào vô cùng.
Tối 30, Cả nhà ngồi bên bếp lửa chờ nồi bánh chưng đang sôi. Trong cái lạnh se se, những câu chuyện một thời trở về nguyên vẹn. Từ hôm đó, tôi biết rằng cái mương chạy xung quanh nhà mà mùa nắng tụi tôi lót lá chuối nằm dài, mùa đông xì xục lội nước là hào giao thông thời chiến tranh, còn cái ao cá đầu làng chính là hố bom của giặc Mỹ. Những điều này, bà và bố mẹ tôi chưa một lần nói đến.
Mùng 1, tôi theo bố và bác đi chúc tết họ hàng, làng xóm. Sau hơn 20 năm, mọi người vẫn nhận ra bác Ngọc. Cuộc gặp gỡ nào cũng làm tôi thấy xúc động.
Sáng mùng 2, bố đưa bác ra nghĩa trang thăm đồng đội cũ. Đó là những người lính cùng đoàn an dưỡng với bác nhưng bệnh tật, khiến họ phải nằm lại và phần mộ vẫn chưa được quy tập. Bà nội bảo bố và bác cho tôi đi cùng. Tôi không hiểu nhiều về những gì bác đã trải qua nhưng thấy bác xúc động trước những ngôi mộ yên lặng, tôi hiểu rằng mình cần phải biết ơn những người này. Trong khói hương nghi ngút, tôi cúi đầu bằng một niềm tri ân sâu sắc.
Mùng 3 là ngày cuối cùng bác ở lại. Tôi bắt đầu buồn. Tôi mè nheo bà nội "Bà giữ bác ở lại với con đi" - "Không được con ạ, bác còn phải về để công tác". Cả ngày, tôi không rời bác. Bác Ngọc dành thời gian dạy tôi gập hạc giấy. Bác kể, ở trong chiến trường, lúc nhớ hậu phương hay buồn vì tiễn đưa đồng đội, bác lại gập hạc, nhưng không phải bằng giấy mà bằng những chiếc lá rừng. Bác nói với tôi rằng "Cháu hãy gửi ước muốn của mình vào những con hạc giấy và thả lên trời, như bác ngày xưa, chính những con hạc giấy đã làm cho điều ước về ngày chiến thắng của bác trở thành hiện thực". Hôm sau bác đi, tôi bắt đầu gập hạc giấy, tôi dạy cho cả thằng Minh, con Hạnh cách gập, chúng vô cùng thích thú. Trò chơi gập hạc làm cho tôi bớt nhớ bác Ngọc phần nào.
Bây giờ, bà nội đã mất. Hàng năm bác Ngọc vẫn về thăm gia đình vào ngày giỗ bà. Tôi công tác xa nhà nên không gặp bác được. Nhưng những con hạc giấy của mùa xuân năm xưa vẫn theo tôi, như một niềm tin vào cuộc sống không bao giờ vơi cạn mà bác trao lại cho tôi.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Tuyết Nhung