Hiệp ước được Hạ viện Nga phê chuẩn trong phiên họp hôm nay với tỷ lệ 397 phiếu thuận và 0 phiếu chống, trước khi được chuyển tới Hội đồng Liên bang Nga để bỏ phiếu.
Hạ viện Nga khẳng định hiệp ước sẽ tạo nền móng xây dựng quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên cũng nhấn mạnh mong muốn "tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy hệ thống quan hệ quốc tế đa cực".
"Điều quan trọng là tiếp tục phát triển quan hệ song phương theo hướng toàn diện và mang tính đồng minh", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho hay.
Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Triều Tiên được lãnh đạo hai nước ký kết trong chuyến thăm của ông Putin đến thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 6. Tổng thống Putin đệ trình văn kiện này lên Hạ viện Nga hôm 14/10.
Hãng thông tấn TASS cho biết hiệp ước sẽ có hiệu lực vô thời hạn, bắt đầu từ thời điểm hai nước trao đổi văn kiện được quốc hội phê duyệt.
Một trong các điều khoản hiệp ước quy định rằng nếu một trong hai nước bị tấn công, quốc gia còn lại sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các trợ giúp khác.
Hiệp ước được Hạ viện Nga phê chuẩn sau khi Mỹ, Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã gửi hàng nghìn binh sĩ tới Nga huấn luyện và có thể điều động tham chiến tại Ukraine.
Nga và Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ thông tin này. Đại diện Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm 21/10 khẳng định nước này không đưa quân đến Nga, gọi cáo buộc của Hàn Quốc là "vô căn cứ". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/10 cũng khẳng định thông tin "Triều Tiên gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine" là sai sự thật.
Nga và Triều Tiên có chung đường biên giới đất liền, cùng quan hệ lịch sử từ thời Liên Xô. Ông Putin từng thăm Triều Tiên hồi năm 2000, ngay sau khi trở thành tổng thống, để gặp lãnh đạo Kim Jong-il.
Hai nước xích lại gần nhau hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào đầu năm 2022. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng gọi Tổng thống Putin là "người bạn thân thiết nhất" của đất nước mình.
Phạm Giang (Theo TASS, AFP)