Gói giải pháp 700 tỷ USD, có chỉnh sửa, được thông qua với 263 phiếu thuận, dù còn 171 nghị sĩ vẫn chưa đồng tình . Tổng thống George W. Bush từng dày công vận động hành lang cho bản kế hoạch, ngay lập tức hạ bút ký ăn mừng chiến thắng. Dù còn chút bất đồng giữa các dân biểu trong cuộc tranh luận tối 3/10 tại Hạ viện, nhưng hơn ai hết người Mỹ hiểu sự cần thiết phải ngăn chặn một "thảm họa kinh tế" sắp xảy ra.
Tổng thống Bush và Bộ trường tài chính Henry Paulson ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AP |
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện diễn ra lần thứ hai trong vòng một tuần, sau khi các dân biểu bác bỏ đề xuất ban đầu hôm thứ hai vừa rồi, với lý do kế hoạch chỉ nhằm mua lại những khoản nợ xấu của các ngân hàng đang thua lỗ trên thị trường tài chính phố Wall.
Bản đề xuất mới được Thượng viện thông qua hôm thứ tư có dành ra 100 tỷ USD cho các chương trình giảm thuế mới nhằm đổi lấy lá phiếu của các dân biểu đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, dự luật cũng đưa ra điều khoản nhằm gia tăng đảm bảo của chính phủ đối với các khoản tiết kiệm (bảo hiểm tiền gửi được nâng từ mức cũ 100.000 USD lên 250.000 USD).
Dự luật mới này còn bao gồm việc bỏ thuế nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế, mở rộng trợ giúp cho các gia đình có trẻ em cũng như các nạn nhân của các trận bão gần đây.
Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, là một trong rất nhiều người đã nói về những khốn khổ mà thường dân Mỹ phải chịu đựng, và cần phải có hành động khẩn cấp nhằm “tránh đi thảm họa về kinh tế ". Tuy nhiên, các quan chức vẫn cảnh báo về những khó khăn mà kinh tế phải đối mặt. Dân biểu đảng Cộng hòa từ tiểu bang South Carolina, là J Gresham Barrett, thì nói: "Cho dù chúng ta làm gì hay thông qua cái gì đi chăng nữa thì thời gian trước mắt sẽ vẫn còn khó khăn".
Khi dự luật này được đề xuất, ai ai cũng tin nó sẽ được sự đồng thuận của các nghị sĩ để cứu thị trường tài chính đang khốn khó. Lúc Hạ viện quay lưng lại vào hôm thứ hai vừa rồi, ngành tài chính thực sự chao đảo. Chưa đầy một ngày, 1,2 nghìn tỷ USD - gần gấp đôi số tiền của gói giải pháp này - bị cuốn trôi khỏi phố Wall.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hàng loạt định chế tài chính khổng lồ của phố Wall đã ra đi. Ngân hàng 158 tuổi Lehman Brothers sụp đổ. Merryn Lynch chịu đặt dưới sự quản lý của Bank of America, Wachovia bị mua lại bởi Citigroup, trước đó Washington Mutual tuyên bố phá sản.
Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lan sang châu Âu, kéo theo sự sụp đổ của đại gia ngân hàng Braford Bingley của Anh, tập đoàn Fortis của Bỉ và Hà Lan mất quyền kiểm soát.
Số người thất nghiệp trong tháng 9 vừa được Phòng Lao động Mỹ công bố đã lên tới 159.000 người, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Hôm thứ tư, Thượng viện thông qua kế hoạch với hơn 450 trang có bổ sung những điều khoản đảm bảo lợi ích cho người dân đóng thuế, những vùng bị thiên tai và đảm bảo quyền lợi của đa số các nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Tiếp theo, đến hôm qua, các nghị sĩ của Hạ viện mới gật đầu.
Tổng thống Bush liên tục kêu gọi hành động khẩn cấp cho kế hoạch này được ban hành sớm nhất là cuối tuần này. Ông từng cảnh báo về các hậu quả "nghiêm trọng và lâu dài" cho nước Mỹ nếu như Quốc hội không nhất trí được về kế hoạch cứu nguy kinh tế. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông nói: "Chúng ta hiện đang ở trong một tình trạng khẩn cấp và hậu quả sẽ lớn dần mỗi ngày nếu như chúng ta không có hành động. Nền kinh tế đang phụ thuộc vào hành động kiên quyết của chính phủ chúng ta".
Tại Brussels, Liên minh châu Âu cũng đã hối thúc Hoa Kỳ có những động thái mang tính trách nhiệm đặc biệt, cũng như thể hiện vai trò quản lý nhà nước trong việc giải quyết khủng hoảng tín dụng toàn cầu.
Hôm thứ tư vừa qua, các ứng cử viên tổng thống John McCain và Barack Obama đều quay lại Washington để tham gia bỏ phiếu. Cả hai ông đều ủng hộ dự luật.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sĩ̃ Dân chủ Harry Reid, nói rằng ông hài lòng với kết quả đạt được và ca ngợi cả hai ông McCain và Obama.
Trong ngày hôm qua, tổng cộng có 33 nghị sĩ Cộng hòa và 25 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ từ bác bỏ đã chuyển sang ủng hộ. Cuối cùng có 91 dân biểu Dân chủ cùng 172 thành viên Cộng hòa đồng thuận, chỉ có 108 người của Dân chủ và 63 của Cộng hòa nói không với kế hoạch này.
Tuy nhiên, các quan chức vẫn cảnh báo về những khó khăn mà kinh tế phải đối mặt. Dân biểu đảng Cộng hòa từ tiểu bang South Carolina, J Gresham Barrett nói: "Cho dù chúng ta làm gì hay thông qua cái gì đi chăng nữa thì thời gian trước mắt sẽ vẫn còn khó khăn".
Thắng lợi của bản kế hoạch này mới chỉ được chính thức hóa trên giấy tờ nhưng cũng đủ để Tổng thống Bush và Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson ăn mừng sau nhiều ngày thương lượng và vận động hành lang. Phố Wall đang ngóng chờ nó sẽ được thực thi.
Thanh Phương (theo AP, BBC)