Trong phi vụ đầu phim, Dominic (Vin Diesel) cùng cả nhóm đánh cắp một loạt vũ khí. Khi băng đào thoát, họ thả một quả bóng sắt khổng lồ để phá hủy các xe truy đuổi. Cả quả bóng và chiếc Volvo đều di chuyển với tốc độ khoảng 64 km/h khi va chạm. Theo chuyên viên hiệu ứng kỹ xảo J.D. Schwalm, quả bóng nặng tới 14,5 tấn - trọng lượng thừa sức phá nát chiếc xe.
* Hậu trường quả bóng sắt khổng lồ phá nát xe
Đến giữa phim, nữ hacker Cipher (Charlize Theron) gây bất ngờ khi dùng công nghệ chiếm quyền điều khiển hàng loạt xe hơi, tạo ra cảnh truy đuổi hỗn loạn như bầy xác sống (zombie) bằng sắt thép. Ở cao trào, nhiều chiếc xe bị điều khiển để đâm bổ xuống từ tòa nhà ba tầng như một loại vũ khí.
Andy Gill - một điều phối viên của phim - tiết lộ có từ 35 đến 40 xe hơi tham gia cảnh "xe hơi zombie". Anh cũng cho biết có bảy siêu xe được thả xuống từ trên cao. Cảnh quay này được thực hiện thật chứ không dùng CGI.
* Hậu trường cảnh xe rơi khỏi tòa nhà
Trường đoạn cuối The Fate of the Furious phô diễn sự hoành tráng về bối cảnh khi cuộc đua diễn ra trên mặt băng. Trong phần bảy, độ cao đã nâng tầm cho loạt phim trong cảnh chiếc siêu xe Lykan HyperSport màu đỏ lao qua tòa nhà chọc trời. Đến phần tám, có thể nói các nhà làm phim đã khai phá được một giới hạn mới khi dàn xếp được trận chiến không tưởng giữa dàn xe trên cạn và chiếc tàu ngầm bên dưới. Băng quái xế vừa bị các xe địch truy đuổi sát nút, vừa phải dè chừng hiểm họa khổng lồ từ lớp băng lạnh sẵn sàng trồi lên bất cứ lúc nào.
* Hậu trường cảnh đua xe cháy nổ trên băng
Trong câu chuyện, trường đoạn diễn ra ở Nga, nhưng do căng thẳng chính trị nên phim không thể quay ở đây. Đạo diễn F. Gary Gray quyết định chọn Iceland với khí hậu tương tự. Quá trình vận chuyển các thiết bị cần thiết lên đến năm tuần. Chuyên viên xe hơi Dennis McCarthy nói: “Chúng tôi không có cơ sở hay nguồn lực ở Iceland để chế tạo xe hơi như mong muốn. Vì vậy, chúng tôi phải chở 5-6 chiếc xe đến bằng máy bay”.
* Chiếc Lamborghini bị nhấn chìm trong nước lạnh
Ôtô sặc sỡ nhất trong dàn xe là chiếc Lamborghini Murcielago màu cam của Roman Pearce (Tyrese Gibson). Nhóm thiết kế chọn xe này vì đạo diễn Gray yêu cầu một ô tô có màu sắc tương phản nhất với môi trường. Trong một trích đoạn, xe của nhân vật kéo lê và nhấn chìm bên dưới lớp băng. McCarthy nói: "Tôi cảm thấy tội nghiệp cho chiếc xe. Nó bị hư hại quá nhiều trong quá trình quay".
* Chiếc xe tăng lao băng băng trên tuyết
Trong khi đó, nhân vật Tej Parker (Chris 'Ludacris' Bridges) cầm lái một chiếc xe tăng hầm hố. Mẫu xe Ripsaw EV-2 này được hai anh em Mike Howe và Goeff Howe thiết kế riêng cho phim. Nó vừa có tốc độ, có thể đi trên băng và được gắn nhiều vũ khí hạng nặng.
Một trong những cảnh quay khó nhất phim là khi Dominic né quả tên lửa tầm nhiệt, khiến nó đâm vào tàu ngầm nổ tung. Trích đoạn được lồng vào cuối trailer và là tâm điểm suốt quá trình quảng bá. Cảnh ngoặt xe được thực hiện trên băng tuyết, còn chiếc tàu ngầm được ghép vào sau. Chiếc Dodge Charger của Vin Diesel có thể ngoặt gấp bởi một sợi dây nối vào sau đuôi.
Trên trang Bloomberg, chuyên viên xe hơi Dennis McCarthy khẳng định: "98-99% các pha là có người ngồi sau vô lăng. Chúng tôi thật sự lật nhào những chiếc xe. Nhóm cascadeur chưa từng đầu hàng trước bất cứ yêu cầu nào".
* "Fast 8" tiêu tốn 250 triệu USD cho các cảnh hành động
Ân Nguyễn