- Theo chị thì đâu là đặc chủng của âm nhạc Việt Nam?
- Nói chung người trong nước có thể nghe được một thể loại này. Nhưng đến một không gian khác, một ngôn ngữ khác, người ta chỉ thấy nó lạ tai chứ không để tâm. Âm nhạc trên thế giới có một mẫu số chung, bất kể loại nhạc nào. Ví dụ ngồi cà phê mình đang nghe thế này, chẳng hiểu gì, nhưng cũng nghe được. Đấy là điểm chung. Hoặc phải rất là dị biệt. Ví dụ trong các tiệm đĩa có khu world music bán nhạc Ảrập, nhạc celtic... là đặc chủng của cái vùng đấy. Nếu để gọi là đặc chủng thì một trong những thứ của mình là chèo...
- Nhưng việc chị đang phải làm là pha các thứ vào với nhau, chị đâu có thể hát chèo được, chị nghĩ sao?
- Tôi cũng chẳng định hát chèo. Mình làm cái gì là cái gốc của mình. Cái gốc của tôi là sống ở Việt Nam, được nuôi dạy ở đây nhưng từ bé đến lớn chỉ nghe nhạc Tây, thành quen. Lúc đầu đi hát mọi người bảo hát nhạc Việt Nam giống như nhạc Tây... Mình cũng yêu dân ca, theo kiểu một người yêu nước thôi.
|
Ca sĩ Trần Thu Hà. Ảnh: hatranmusic |
- Chị nói luôn ý thức để đưa những yếu tố dân tộc vào sản phẩm của mình. Ý thức đó lớn mạnh khi chị ở nước ngoài hay từ xưa?
- Từ xưa đã thích rồi. Nó cũng là cái gốc rễ của mình, không bỏ được. Với lại có những mảng dân gian tôi thích thật, như hồi hát cái bài dân ca Xá ấy. Mình phát triển đúng những gì mình thích thôi.
Tôi nghĩ người nghệ sĩ để lập danh ở một nước khác vẫn phải giữ cái gốc của mình - điểm để họ thành công, khác với người khác. Không nên tách bạch chuyện Đông, Tây hay như thế nào. Tôi chỉ nghĩ làm cái gì đúng là cái gốc của cá nhân mình, khả năng để thành công sẽ nhiều hơn, dù có thể lâu hơn, nhưng vẫn có.
- Chị có thấy tiếc khi hồi còn ở trong nước đã không tìm hiểu kỹ càng hơn về những đặc trưng âm nhạc của dân tộc để bây giờ có thể đem ra áp dụng?
- Phạm trù này lại hơi rộng ra nữa rồi. Thực ra, nếu xét kỹ tất cả các thể loại thì mình sẽ thấy nó cũng ảnh hưởng của một số các nước khác chứ nó không nguyên bản. Chưa nói đến, nếu bị quá chìm đắm vào những cái Á Đông ấy thì người ta lại không thưởng ngoạn được.
Giống như pha rượu ấy, nồng độ phải rất vừa, rượu nào nặng chìm xuống, rượu nào nhẹ nổi lên... Nói chung, mình vẫn nghĩ hãy làm cái gì cho chính khán giả VN của mình nghe được, chứ không viển vông đi chinh phục mấy ông mắt xanh mũi lõ.
- Tò mò một chút, chị đã bao giờ đi xem cả một vở chèo hay trực tiếp nghe hát ca trù?
- Có... ngày xưa cũng có vài lần, nhưng không phải đi chuyên sâu, thành ra mình vẫn bị xem "cỏ giả", chứ chưa được xem những người thực là nghệ nhân. Tôi thường nghe qua băng, nhưng hát xẩm chẳng hạn, tôi chưa được xem bao giờ.
Tôi không lý giải được, nhưng nghe cái gì thật, cái gì không thật là tôi biết. Tôi nghe bà Cầu (nghệ nhân Hà Thị Cầu) là thích liền, nhưng những người đi theo kiểu của bà, làm nhái bà, mình nghe cứ bị phản cảm, cứ bị dội. Nghe bà mở miệng ra là thích rồi, nhưng cũng không bao giờ có ý định học theo cả.
Bà là một khối nguyên chất của tất cả những gì chắt lọc trong cuộc đời, và bà hát đúng như thế luôn. Phải rất original (nguyên bản) thì bà ấy mới làm như thế được, còn tất cả những người học theo thì không bao giờ được. Cái quan trọng trong nghệ thuật hay trong ngành nào cũng thế: mình phải là một cái gì đó original.
Tôi không thay đổi gì đáng kể, kể cả cách hát hay cách ăn nói so với hồi chưa sang Mỹ ở. Có nhiều người kỳ vọng về phải giống Việt kiều hay là... (cười) cái gì đấy. Có nhiều cái mình trưởng thành hơn, nhìn mọi chuyện nhẹ nhõm hơn, thực tế hơn, bớt hoài bão viển vông...
Cái bệnh nghệ sĩ của Hà Nội rất "nguy hiểm". Rất nhiều nghệ sĩ giỏi sinh ra ở đây, nhưng cách sống của Hà Nội, cái kiểu cứ lè phè, cứ kẻ sĩ. Tôi về thấy rất nhiều bạn bè, cả người thân, người quen cũ - cảm giác như họ cứ bị gò trong nếp nghĩ của thành phố này. Những bạn đồng lứa, cùng thời, nhưng sống ở thành phố khác thì nhận thức của họ khác, cởi mở hơn.
- Sự "đổi vùng" cho Thanh Phương (sang Mỹ 4 tháng để làm việc cho dự án "Đối thoại 06") cũng xuất phát từ cảm giác ấy?
- Anh ấy cần phải đổi vùng. Anh ấy làm rất hay trong môi trường này, nhưng anh ấy cũng có cái e dè, hơi sờ sợ cái gì nó bung phá quá. Khi đổi vùng, thứ nhất cắt anh ấy khỏi chuyện bận rộn đã. Ở bên này có một cái "nguy hiểm" là ai cũng gọi ai được, kể cả không quen. Thành ra lúc nào cũng bị bận những chuyện vặt. Còn cái chuyện chính lại không có thời giờ tập trung.
Thứ hai, khi được tiếp xúc với môi trường mới thì suy nghĩ cũng khác. Lúc đầu trong quá trình làm việc, có những cái anh ấy sợ tôi đi quá, phá mất bản nhạc. Thế nhưng anh ấy vẫn tôn trọng sản phẩm, cũng có tranh luận, trao đổi qua lại, nhưng cũng để cho tôi theo ý nghĩ, cảm nhận của tôi... Một phần cũng vì mình là người làm nhiều hơn thật, còn anh ấy vẫn chạy rốt-đa bao nhiêu năm bây giờ mới chạy thật.
Nếu gặp đúng môi trường tốt chắc là tôi làm việc được thường xuyên. Còn nếu không, tôi cứ im một thời gian cho đến một ngày, nghe một tiếng click trong mình, giống như dây cót đồng hồ vặn lên một cái là nó chạy. Mà nó chạy thì rất nhanh và hiệu quả.
Cái hồi làm Nhật thực cũng thế, bị sức ép kinh khủng. Hai tuần thôi, nhưng rất hiệu quả, đến 3-4 năm sau người ta vẫn nhắc. Cái đĩa này cũng thế... Nếu bây giờ nhìn lại một tháng làm được rất nhiều việc.
Lúc đặt chân về sân bay Nội Bài, cầm đúng một cái master trên tay, không có một kế hoạch gì, không có tiền bạc gì, xong bắt đầu đi hát gom tiền đi in đĩa, làm đủ các thứ luôn...
- Chị không mang tiền từ bên kia về vì quá tự tin hay còn có lý do nào khác?
- Không phải tự tin, mà làm đĩa này tốn nhiều tiền quá. Kinh phí cho đĩa này chi như thế thôi, nếu mà quá thì tự mình phải giải quyết được số phát sinh đấy, chứ không phải lấy thêm vốn liếng mang về để giải quyết.
Nói thế này dễ bị nghĩ là kiêu, nhưng thực ra tôi biết làm cái gì, vào thời điểm nào. Tất nhiên rủi ro thì luôn xảy đến, nhưng mình cũng ước chừng được bao nhiêu phần trăm thành công của công việc mình đang muốn làm.
- Sự nghiệp của chị gần như có một sự bảo trợ từ những thế lực, chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Đen tối (cười). Chắc thế. Tôi nghĩ là mẹ tôi đấy. Tại vì lúc mẹ mất rồi, tôi vẫn cảm giác một mối dây vô hình. À, mà không phải lúc nào mình cũng nhớ, không phải là đứa con gái hiếu thảo ngày nào cũng thắp hương. Tôi là người vô thần. Tôi nghĩ tất cả những thủ tục đấy là người sống tự làm vui lòng mình thôi. Tôi không tin vào những chuyện ấy đâu.
- Chị có "số" làm một ca sĩ thành công: sinh ra, lớn lên, lập gia đình đều trong môi trường thuận lợi, chị thấy sao?
- Chẳng biết được. Hồi bé mình đâu có nghĩ làm ca sĩ thành công. Ngày xưa tôi chuyên bị hù dọa. Mặt mình là mặt dễ bị bắt nạt hay sao ấy. Đi học trong trường nhạc thì cô Lê Dung bảo: "Cháu chỉ hát jazz thôi. Cháu hát pop không bao giờ nổi bằng Mỹ Linh, mà hát cổ điển thì không bao giờ cháu bằng cô cả". Đang là đứa học sinh, mà các tiền bối bảo thế chả sợ chết khiếp.
Tôi có cái, ai nói gì kệ, mình biết việc mình làm. Vì tôi nghĩ khả năng của tôi là cái người khác không nhìn thấy được. Cho nên nhiều khi người ta đánh giá thấp mình. Tôi cũng thích để cho người ta đánh giá thấp mình. Thực ra, lúc người ta khi dễ mình là lúc người ta không phòng bị mình...
![]() |
Ảnh: hatranmusic |
- Chị có nghĩ cuộc đời ca sĩ của mình có một yếu tố gì đấy... của vận mệnh?
- Nếu nói về vận mệnh, tất cả các thày bói đều nói như nhau về tôi: nên làm cái gì đấy liên quan đến ngành giáo dục. Kể cả người trong nhà xem tử vi cho tôi, không ai khẳng định tôi thành công bằng nghề này. Nhưng tôi cũng ngang, không tin vào những chuyện người ta bảo mình.
Mình tự chứng minh với mình thôi. Rất ít người đặt lòng tin vào tôi, trừ những người trực tiếp dạy dỗ là cô Huệ với cô Hiền. Những người đấy tin vào khả năng của tôi, tin là tôi có thể làm được nhiều hơn cái chuyện hát, bằng cái giọng không có gì đặc biệt.
Và tôi nghĩ có thể từ những lòng tin như thế mà tôi thành công. Với lại anh trai rất tin vào tôi. Khi lấy chồng thì chồng rất tin vào khả năng của vợ. Có những chuyện lớn mình nghĩ mình không thể làm được, mình tự ti, nhưng lúc nào anh ấy cũng nói là mình làm được.
Chỉ nói đơn giản bây giờ chuyện sinh sống ở nước ngoài, không ai cảm thấy hòa nhập với cuộc sống được đâu, tức là đến một cái mức nào đấy thôi. Nhưng ở bên Mỹ, tôi sống rất tự nhiên, giống như một người địa phương. Tôi không có những mặc cảm, tôi không bị co cụm. Tôi nghĩ đó là có những người đã cho tôi lòng tin, chứng minh cho mình thấy là mình làm được.
(Theo Thị Trường Quốc Tế Tiêu Dùng)