Nhân dịp 45 năm ngày mất của Lý Tiểu Long (ngày 20/7/1973), nhiều câu chuyện và giai thoại liên quan đến ông được kể. Một trong số đó là cuộc đời của Ho Chung-tao (Hà Tông Đạo) - diễn viên nổi danh nhờ đóng "nhái" huyền thoại võ thuật nhiều năm sau khi ông mất.
Lý Tiểu Long sinh năm 1940, nổi tiếng từ thập niên 1960 và nhanh chóng trở thành siêu sao thế giới. Cái chết đột ngột của ông gây hụt hẫng và để lại khoảng trống lớn trong điện ảnh. Các hãng phim Hoa ngữ cho rằng có thể kiếm lợi nhanh chóng bằng cách ăn theo tên tuổi người quá cố. Giai đoạn này tràn ngập các phim "nhái" Lý Tiểu Long, được gọi là "Bruceploitation" (lợi dụng tên tuổi Bruce Lee). Nhiều sao trẻ bắt chước phong cách và vẻ ngoài của ông, đôi khi nhái cả nghệ danh như Bruce Le hay Bruce Li.
Nổi tiếng nhất trong số này là Hà Tông Đạo - diễn viên Đài Loan sinh năm 1950. Ông từng tập judo, karate, kung fu, taekwondo, đấm bốc ở trung học, tham gia một đại học thể dục thể thao, đồng thời được huấn luyện về diễn xuất. Khi Lý Tiểu Long còn sống, Hà Tông Đạo là diễn viên đóng thế ở Đài Loan và Hong Kong với nghệ danh James Ho.
Sự nghiệp của ông có bước ngoặt định mệnh khi sao võ thuật qua đời. Với vẻ ngoài giống huyền thoại quá cố, Hà Tông Đạo được các hãng phim săn đón, đặt nghệ danh Bruce Li và Li Shiao Lung (phát âm gần giống "Lý Tiểu Long"). Cuốn Memoirs of an Asian Moviegoer mô tả ông trông giống Lý Tiểu Long, đặc biệt khi nhìn từ bên phải. Nam diễn viên có hình thể gọn gàng, cơ bắp, và sức hấp dẫn khán giả. Ông có thể thực hiện các động tác võ thuật đẹp mắt giống múa ballet, đồng thời tạo điểm nhấn bằng những tiếng thét giống động vật (một đặc trưng của Lý Tiểu Long).
* Hà Tông Đạo diễn cảnh võ thuật
Năm 1974, Hà Tông Đạo bắt đầu sự nghiệp "nhái" Lý Tiểu Long trong Bruce Lee: A Dragon Story - một phim tài liệu với nhiều thông tin bịa đặt. Sau đó, ông đóng Bruce Lee Against Superman (1975) - tác phẩm kỳ quặc với sự xuất hiện của Siêu Nhân.
Nửa cuối thập niên 1970 là thời hoàng kim của Hà Tông Đạo với bốn, năm phim một năm. Ông hoạt động liên tục nhưng hoàn toàn dựa vào tên tuổi người khác. Một số hãng phim còn đi xa hơn khi để hình Lý Tiểu Long trên các poster phim Hà Tông Đạo đóng chính. Trong Exit the Dragon, Enter the Tiger (1976), ông hóa thân Hổ - một môn đồ được Lý Tiểu Long (tức "Rồng") chọn làm người kế nghiệp. Tình tiết này được cho là động thái của nhà sản xuất để biến Hà Tông Đạo thành người thay thế chính thức cho ngôi sao quá cố.
Năm 1978, Hà Tông Đạo đóng Return of the Tiger cùng Angela Mao - nữ diễn viên từng đóng cùng Lý Tiểu Long. Trong phim này, ông có trận chiến với diễn viên Mỹ Paul L. Smith. Một số phim nổi bật khác của Hà Tông Đạo là Bruce Lee's Secret (1976), Fist of Fury II (1977) và Fist of Fury III (1979).
Danh tiếng của Hà Tông Đạo khiến hãng phim mời ông thay thế Lý Tiểu Long ở những cảnh còn lại của The Game of Death (Tử vong du hý) - tác phẩm đang ghi hình dang dở khi huyền thoại mất. Tuy nhiên, ông từ chối do vai diễn còn có thêm hai người khác đóng.
Theo South China Morning Post, nam diễn viên biết rằng hào quang đến từ việc giống Lý Tiểu Long sẽ mau tàn lụi. Ông nỗ lực tập võ để có trình độ cao hơn, đồng thời học thêm ngành đạo diễn. Hà Tông Đạo đạo diễn hai phim Fist of Bruce Lee (1978) và The Chinese Stuntman (1982). Tuy nhiên, khi cơn sốt phim "nhái" Lý Tiểu Long qua đi, ông cũng mất chỗ đứng trong ngành.
* Các cảnh phim nổi bật của Lý Tiểu Long
Năm 1985, sau khi vợ mất, Hà Tông Đạo trở về Đài Loan giảng dạy thể dục và huấn luyện võ cho các diễn viên hài. Sau đó, nam diễn viên chỉ xuất hiện thoáng qua trong một số phim võ thuật. Sự nghiệp ngắn ngủi của Hà Tông Đạo trở thành chủ đề cho phim tài liệu Top Fighter (1995). Trong tác phẩm này, ông nói không vui khi bị biến thành chiêu trò quảng bá dựa trên tên tuổi Lý Tiểu Long.
Thành Long cũng là một trong số các ngôi sao muốn bắt chước Lý Tiểu Long khi còn trẻ. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra điều này không có ích cho sự nghiệp và tìm hướng đi khác. Sau đó, nam diễn viên định hình phong cách võ thuật hài, hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của huyền thoại quá cố.
Ân Nguyễn