Nhà chức trách Hà Tĩnh cho hay, văn miếu Hà Tĩnh đã có từ trước, được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) trên cánh đồng Đông Lỗ, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) với mục đích ghi danh những người Hà Tĩnh học hành, đỗ đạt cao. Tuy nhiên, qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, công trình bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại rất ít dấu tích.
Để phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân, năm 2010 tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án phục hồi và phát huy các giá trị di tích văn miếu Hà Tĩnh. Công trình được xây dựng trên khu đất 1,67 hécta thuộc nền đất của văn miếu cũ. Tổng mức đầu tư thời điểm phê duyệt là 74 tỷ đồng.
Tháng 12/2014, văn miếu được xây dựng một số hạng mục đầu tiên. Tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định di dời trường dạy nghề số 5 sang một cơ sở mới để lấy đất. Theo thiết kế, văn miếu có một số điểm nhấn chính như 4 cổng phụ, nhà đại bái, hồ bán nguyệt, tứ trụ tam quan, tả vu, hữu vu, hạng mục phụ trợ… Thời điểm này, bờ tường, 4 cổng phụ của văn miếu đang được xây.
Ông Phạm Tiến Sinh, Trưởng ban quản lý công trình xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh cho biết, công trình được xây dựng từ ngân sách tỉnh và kêu gọi đóng góp xã hội hóa. “Thời điểm phê duyệt là 74 tỷ đồng. Tuy nhiên đến khi hoàn thành chắc phải trên 100 tỷ”, ông Sinh thông tin.
Hạng mục then chốt là nhà đại bái, hiện tại mới được đổ móng trên diện tích đất 300 m2, chủ yếu được dựng bằng gỗ lim, kinh phí xây nhà ước tính 14 tỷ đồng được một tập đoàn lớn ở Hà Nội tài trợ.
Theo vị trưởng ban quản lý xây dựng công trình cơ bản Hà Tĩnh, dự kiến trong năm 2016 sẽ hoàn thiện một số hạng mục cơ bản của văn miếu. Khi xây xong, việc bố trí bài vị thờ những ai cần phải lập báo cáo riêng, bàn bạc cả quá trình mới có thể thống nhất được.
“Việc hoàn thành toàn bộ để đưa vào sử dụng thì chưa thể ấn định được thời gian, bởi tiến độ còn phải phụ thuộc vào khả năng nguồn vốn. Hiện nguồn vốn đã có để xây dựng là 20 tỷ đồng. UBND TP Hà Tĩnh đang huy động vốn bằng cách mở các cuộc vận động kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ”, ông Sinh nói.
Đức Hùng