Tối 22/7, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ tưởng niệm ngày hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, kỷ niệm 51 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968).
Ông Hoàng Trung Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, phát biểu khẳng định 51 năm trôi qua, khúc tráng ca anh hùng của những người đã sống, chiến đấu, lao động trên chiến trường Đồng Lộc vẫn còn vang vọng. Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong là biểu tượng của chủ nghĩa cách mạng, khích lệ lớp thanh niên lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Dũng, tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Đồng Lộc vẫn nguyên giá trị, đó là tinh thần không nao núng trước mọi gian lao, thử thách, quyết chiến, quyết thắng trước kẻ thù xâm lược... "Mảnh đất túi bom, chảo lửa năm xưa đã hồi sinh. Ngã ba Đồng Lộc nay thành điểm du lịch tâm linh có sức hút kỳ lạ đối với du khách trong nước và quốc tế", ông Dũng nói.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Những năm 1964-1972, ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá cày đi xới lại.
Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.
Hiện phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc. Mỗi năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, dâng hương. Họ là những cựu binh, thanh niên, thiếu nhi, công nhân, viên chức...