Ngày 16/12, tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu có chuyến làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Buổi sáng, đoàn công tác đến kiểm tra 4 kho đông lạnh bảo quản hải sản tồn kho tại huyện Lộc Hà và thực địa chứng kiến việc tiêu hủy gần 295 tấn hải sản có hàm lượng phenol và cadimi vượt ngưỡng.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh báo cáo hiện tỉnh còn hơn 1.530 tấn hải sản tươi tồn kho được thu mua trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường có kết quả xét nghiệm an toàn, nhưng do bảo quản lâu nên đến nay giảm phẩm cấp. Bên cạnh đó có khoảng 150 tấn sứa ướp muối không tiêu thụ được đã chuyển màu hư hỏng.
Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ chuyên môn hướng dẫn xử lý lên kế hoạch tiêu hủy và bồi thường đối với hải sản khô, hải sản đông lạnh và sứa ướp muối bị biến chất không sử dụng được.
"Đối với 150 tấn sứa hư hỏng thì sẽ cho tiêu hủy ngay, áp dụng bồi thường 100% giá trị. Đối với hải sản khô bị hư hỏng, UBND tỉnh chịu trách nhiệm phân loại về mức độ an toàn và áp dụng bồi thường tương tự như với hàng đông lạnh", ông Sơn nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu tỉnh phải cam kết trong thời gian ngắn nhất trả tiền cho người dân. Theo quyết định của Thủ tướng là bồi thường 100% với hải sản tiêu hủy, 30% cho số hải sản an toàn tồn kho.
Hai ngày qua, Hà Tĩnh đã tiến hành tiêu hủy gần 300 tấn hải sản có hàm lượng phenol và cadimi vượt ngưỡng. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai bồi thường; giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.947 tỷ đồng, đến nay đã chi trả bồi thường được 507 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thông tin, sau sự cố môi trường, có 48.000 lao động ở Hà Tĩnh thất nghiệp, tỷ lệ tăng 15,7 lần. |
Đức Hùng