Theo văn bản ngày 26/8 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngoài yêu cầu huyện Đức Thọ hủy các quyết định thành lập, tỉnh sẽ giao Ban thường vụ Huyện ủy kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan trong tham mưu lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ.
"Trong Hội Tướng lĩnh có một số cán bộ về hưu, trước đây thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý. Theo quy định, khi thành lập hội, những nguyên cán bộ cấp cao này phải xin ý kiến Trung ương, song họ chưa báo cáo, vì vậy đã vi phạm những điều đảng viên không được làm", lãnh đạo huyện Đức Thọ nói.
Về việc kiểm điểm, đại diện Ban thường vụ Huyện ủy Đức Thọ nói "chưa có chuyện gì" để xử lý những cá nhân, tập thể liên quan trong việc tham mưu, vì họ căn cứ theo Nghị định 45 và Quyết định 55 của tỉnh để triển khai. Vấn đề này sắp tới cần tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng.

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ lần thứ nhất, hôm 13/8. Ảnh: Hùng Lê
Trước đó ngày 13/8, Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ tổ chức đại hội đại biểu lần thứ nhất tại huyện Đức Thọ, nhiệm kỳ 2022-2027. Đại hội mới thông qua điều lệ dự thảo để xin ý kiến kiện toàn nhân sự, sau đó mới đi vào hoạt động.
Hội được thành lập từ ý tưởng của các tướng lĩnh quê Đức Thọ, sau đó đề xuất lên cơ quan chức năng của huyện xem xét. Mục đích là tạo môi trường đoàn kết, gắn bó giữa những người làm trong lực lượng vũ trang đang đương chức hoặc đã về hưu, kết nối khuyến học khuyến tài, hỗ trợ các hoạt động vì mục tiêu của huyện, xây dựng nông thôn mới...
Lãnh đạo huyện Đức Thọ cho hay, nguyện vọng của những người lập hội là có địa điểm sinh hoạt giống như các tổ chức hội khác, mong muốn đóng góp cho xã hội. Ngay lần ra mắt, Hội đã ủng hộ quỹ khuyến học huyện 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn có nhiều ý kiến trái chiều nói việc lập hội là không cần thiết, tạo dư luận không tốt.
Toàn huyện Đức Thọ có 56 tướng lĩnh đã về hưu hoặc đang công tác trong lực lượng vũ trang. Theo dự kiến trong điều lệ dự thảo, số thành viên tham gia Hội tướng lĩnh là 22.