Ngày 1/2, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, một số huyện đã báo cáo tình trạng nổ pháo đêm giao thừa, tỉnh đang giao cho công an tổng hợp số liệu.
"UBND tỉnh đã chỉ thị, địa phương nào để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, đốt pháo trong dịp Tết thì những người đứng đầu huyện phải chịu trách nhiệm, nhận hình thức xử lý kỷ luật", ông Đạo nói.
Tại một số địa bàn trong tỉnh, trong đêm giao thừa, cảnh sát đã chia nhiều tốp đi mật phục để bắt người có hành vi đốt pháo. Tại thị xã Hồng Lĩnh, công an bắt quả tang một người dân ở phường Bắc Hồng đốt pháo tại nhà riêng, thu giữ hai bánh pháo.
"Người này bị lập biên bản, chúng tôi đang cho giám định đây là loại pháo gì, sau đó sẽ đưa ra hình thức xử lý", lãnh đạo công an thị xã Hồng Lĩnh nói.
Trước đó sáng mùng 1 Tết, dọc quốc lộ 8A đoạn qua các xã Tây Sơn, Sơn Tây (Hương Sơn), xác pháo đỏ và hộp pháo giấy màu trắng nằm rải rác hoặc gom thành đống nhỏ bên đường và trước cổng nhà dân. Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo cho hay "đa số là người ở nơi khác tới đốt pháo, nhà chức trách đã bắt được vài trường hợp, ra Tết sẽ xử lý".
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền, có thể xử lý hình sự.
Đức Hùng