UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo, kiến nghị đề xuất gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư đối với Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Trong văn bản, cơ quan này nhiều lần bày tỏ sự lo ngại vấn đề môi trường của dự án, đặc biệt sau thảm họa tại nhà máy Formosa.
Theo cơ quan này, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê và đưa nhà máy thép sử dụng quặng sắt này nằm trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tính đến năm 2020 và đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện quy hoạch nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội đã thay đổi, đặc biệt sau sự cố môi trường biển năm 2016 cần thiết phải đặt ra yêu cầu và xem xét lại quy hoạch phát triển công nghiệp, nhất là các dự án công nghiệp nặng ven biển Hà Tĩnh, trong đó có mỏ sắt Thạch Khê… với nguyên tắc phải đảm bảo phù hợp sức chịu tải về môi trường dọc ven biển, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá vì phát triển kinh tế…
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh dành nhiều thời lượng để phân tích những tác động của dự án với vấn đề môi trường mà báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà đầu tư chưa chỉ rõ.
Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Trong báo cáo ĐTM xác định có nhiều độc tố, nước thải mỏ khối lượng lớn được bơm từ moong mỏ, đổ vào bể chứa diện tích 2ha để lắng tự nhiên, theo kênh dẫn đổ thẳng ra sông Thạch Đồng, biển Thạch Hải.
“Nước thải mỏ không qua xử lý được đổ trực tiếp ra biển với khối lượng lớn, chưa thể khẳng định được tác động tích lũy của các kim loại nặng, độc hại đi kèm quặng sắt trong cả đời dự án 52 năm có thể gây thảm họa môi trường biển hay không. Đây là vấn đề hệ trọng sau bài học về sự cố môi trường biển xảy ra ở địa phương trong thời gian vừa qua”, báo cáo nêu rõ. Trong khi đó, việc xử lý nước thải đảm bảo an toàn trước khi đổ ra biển sẽ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng.
Với các vấn đề tồn tại nói trên, UBND tỉnh cho rằng Bộ Tài nguyên & Môi trường cần rà soát, đánh giá toàn diện các tác động và bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể của dự án.
Theo báo cáo địa chất thủy văn và các chuyên gia, điều kiện địa chất thủy văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp, gây khó khăn cho quá tình hoạt động khai thác. Khi khai thác sẽ xảy ra nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng khi mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như một dòng sông.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.
Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.
Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ.
Cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có kiến nghị dừng dự án, song vấp phải những thông tin trái chiều từ phía các Bộ Công Thương và chủ đầu tư dự án.
Địa chất công trình chưa đủ tin cậy để thiết kế khai thác, chưa xác định được số lượng và các vị trí cụ thể của hang, mặt khác khu vực đã từng xảy ra động đất 6 độ richter. Vì thế, việc khai thác có thể tạo ra động đất kích thích nguy hiểm, mất an toàn.
Về góc độ kỹ thuật, công nghệ khai thác, theo đánh giá của Liên hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc bóc đất đá về nơi đổ thải, vận chuyển quặng về kho chứa sẽ gây nhiều hệ lụy về môi trường, dễ xảy ra tai nạn.
Phương án vận tải quặng sắt bằng đường bộ có nhiều bất cập như lưu lượng vận chảy quá lớn, đường bộ không thể đáp ứng được khả năng chịu tải, dễ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, nếu là phương án đường thủy thì việc xây dựng cảng tại đây thiếu khả thi, giá trị đầu tư có thể lên tới hàng tỷ USD mà không đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Về thị trường tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê, theo cơ quan này, báo cáo của các doanh nghiệp trong nước mới chỉ có một doanh nghiệp ký thỏa thuận mua quặng Thạch Khê dài hạn từ 2017-2021 với 3 triệu tấn mỗi năm, giai đoạn sau đó chưa có cam kết.
Hơn nữa, thực tế các nhà máy luyện gang thép hiện nay chưa thể có nhà máy luyện kim nào sẵn sàng sử dụng toàn bộ quặng sắt Thạch Khê nên đặt ra tính khả thi đối với cam kết tiêu thụ quặng của đối tác.
Về hiệu quả kinh tế, theo dự án điều chỉnh được phê duyệt năm 2014, chỉ số hiệu quả kinh tế được tính toán khả thi. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vẫn chưa tính toán được hiệu quả kinh tế khi phê duyệt và sau 2 lần điểu chỉnh vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư.
“Nếu cập nhật, tính toán một cách đầy đủ thì vốn đầu tư sẽ tăng cao, chi phí đầu tư dự án nhiều khả năng sẽ tăng gấp 1,5-2 lần so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt”, văn bản nêu rõ và cho rằng hiệu quả đầu tư của dự án chưa chính xác, thiếu thuyết phục.
Cũng theo UBND tỉnh, hồ sơ dự án cho biết, trữ lượng mỏ được phê duyệt là 544 triệu tấn, song công nghệ hiện nay chỉ cho phép khai thác 369 triệu tấn. Như vậy, sau khi khai thác số lượng quặng theo phương án của TIC thì trong lòng đất vẫn còn 174 triệu tấn – mức lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác trên cả nước gộp lại, gây tổn thất tài nguyên rất lớn.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng mới có phương án để góp đủ vốn 30% cho giai đoạn một là hơn 2.000 tỷ đồng mà chưa có phương án tăng vốn chủ sở hữu cho cả 2 giai đoạn (hơn 4.000 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến các địa phương trong vùng trở thành xã khó khăn nhất của huyện Thạch Hà, thậm chí là của tỉnh Hà Tĩnh.
“Trước khi chưa thực hiện dự án, bãi biển Thạch Hải là khu nghỉ dưỡng, tắm biển lý tưởng có tiềm năng phát triển tốt. Thời gian mới đầu khai trương đã có gần 30 nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi thể thao phục vụ du khách… Đến nay, do ảnh hưởng của dự án nên việc xây dựng các công trình này không được thực hiện, hệ thống xuống cấp, lượng du khách xuống cấp nghiêm trọng, lao động thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân", báo cáo chỉ rõ thực trạng.
Hơn 10 năm triển khai dự án, người dân các xã vùng dự án không được cấp đất ở, không được xây dựng, cơi nới nhà ở, trong khi nhu cầu là rất lớn làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Do đó, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đa số ý kiến người dân mong muốn dừng triển khai dự án.
Tuy việc dừng dự án ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế xã hội, doanh nghiệp tổn thất vốn đầu tư vào dự án nhưng theo địa phương buộc phải chấp nhận để đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
“UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét kết thúc dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tốn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân”, văn bản nêu rõ.
Đối với phần vốn đã đầu tư, tỉnh nhận định không hoàn toàn là mất trắng vì trong số vốn đó một phần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, nộp ngân sách. Khoản đầu tư này người dân trong vùng và nhà nước được hưởng lợi. Ngoài ra, phần vốn đầu tư máy móc thiết bị doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng cho dự án khác hoặc thanh lý thu hồi vốn, giảm thiệt hại…
Nguyễn Hà