Ngày 20/8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết bệnh nhân được người dân vô tình phát hiện và cứu lên bờ khi tím tái, ngừng tuần hoàn. Lực lượng cứu hộ bãi biển cấp cứu, hồi sức tim phổi, sau khoảng 15 phút có tuần hoàn trở lại. Nạn nhân được xe cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ê kíp đặt máy thở, lọc máu, bù điện giải, đặc biệt ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não. Hạ thân nhiệt còn gọi là ngủ đông, là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân ở mức 33-36 độ C trong vòng 24-48 giờ sau ngưng hô hấp. Mức nhiệt độ sinh lý bình thường là 37 độ C. Đây là một trong những kỹ thuật hồi sức tiên tiến trên thế giới, giúp những bệnh nhân nguy kịch sống sót, bảo vệ não khỏi di chứng.
Hiện, người đàn ông kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt chỉ huy, ngừng thở máy, tỉnh táo hoàn toàn, không bị di chứng thần kinh đáng kể nào.
Bác sĩ Nguyễn Trần Minh Chiến, Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, cho biết việc cấp cứu ban đầu đúng cách là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của nạn nhân bị đuối nước, bởi nguyên nhân chính gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, cấp cứu càng chậm trễ thì não càng tổn thương khó hồi phục, nguy cơ để lại di chứng thần kinh cao.
"Bệnh nhân may mắn được phát hiện và hồi sức tim phổi tốt, kịp thời, cùng đó là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, giúp sống sót, không bị di chứng thần kinh nào", bác sĩ cho hay.
Đuối nước là tai nạn thường gặp trong mùa hè khi nhiều người tham gia các hoạt động vui chơi, bơi lội tại biển, ao hồ, sông suối. Để giảm thiểu rủi ro, mọi người nên bơi ở những khu vực an toàn, gần bờ và luôn có người giám sát cùng các phương tiện cứu hộ sẵn sàng.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ và tiến hành các bước sơ cứu tại chỗ đúng phương pháp. Nếu thấy nạn nhân đuối nước bất tỉnh, không thở, ngừng tim, phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức, vì đây là "thời điểm vàng" để cứu sống. Khi có tuần hoàn trở lại thì đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thúy Quỳnh