Bác sĩ Phan Thái Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ngày 18/3 cho biết sau 30 phút cấp cứu, tim đập trở lại, song bệnh nhân vẫn hôn mê, phải thở máy, chụp mạch vành không phát hiện tổn thương. Bệnh nhân điều trị hồi sức tích cực sau ngưng tim, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
Vào giờ thứ 6 kể từ khi ngưng tim, bệnh nhân được hạ thân nhiệt chỉ huy. Bác sĩ dùng các tấm dán hạ nhiệt lên bề mặt da và hạ thân nhiệt điều khiển bằng máy. Hạ thân nhiệt chỉ huy còn gọi hạ thân nhiệt chủ động, là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân một cách chủ động, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân sẽ xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường. Quá trình hạ thân nhiệt kéo dài 96 giờ, trong lúc đó bệnh nhân tiếp tục thở máy, dùng thuốc an thần và giãn cơ, kiểm soát huyết áp.
Kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt, người bệnh tỉnh, trí nhớ phục hồi gần như hoàn toàn, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh do ngưng tim kéo dài. Các bác sĩ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngưng tim. Kết quả chụp mạch vành lần nữa phát hiện bệnh nhân bị hẹp động mạch vành trái, bác sĩ can thiệp đặt stent.
Theo bác sĩ Sơn, nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh sau cấp cứu ngưng tim còn hôn mê, nếu không được hạ thân nhiệt bảo vệ não thì tổn thương não sẽ tiếp tục tiến triển. Bệnh nhân được hạ thân nhiệt trong thời gian dưới 8 giờ sau khi ngưng tim mới hy vọng đem lại kết quả khả quan. "Mỗi một giờ trôi qua không được điều trị hạ thân nhiệt thì tổn thương não sẽ tăng lên khoảng 20%, để lại di chứng về thần kinh nặng nề", bác sĩ Sơn cho hay. Bệnh nhân này may mắn ngưng tim ngay cổng bệnh viện nên được xử trí cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, do đó hồi phục tốt.
Trước đây chưa áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, bệnh nhân hôn mê sau ngưng tim có thể bị tổn thương não do thiếu oxy trong quá trình ngưng tim tiến triển, để lại di chứng nặng nề hoặc hôn mê kéo dài, sống thực vật. Những năm qua, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được nhiều nước, trong đó có Việt Nam, triển khai, giúp nhiều người ngưng tim phục hồi tốt tri giác, không hoặc ít để lại di chứng về thần kinh.
Bác sĩ Sơn cho biết theo thống kê khoảng 70% người ngưng tim ngoại viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Do đó, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì...
Lê Cầm