Ngày 5/5, bác sĩ Vũ Ngọc Tú, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị phình động mạch chủ dạng hiếm gặp với đường kính 10 cm, chèn ép làm tắc động mạch vành trái, gây suy tim, giãn lớn buồng tim trái và hở van hai lá nặng. Khối phình đe dọa vỡ, người bệnh có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
"Đây là trường hợp rất hy hữu", theo bác sĩ Tú, do bình thường kích thước khối phình từ 5,5 cm trở lên bắt buộc phải phẫu thuật, còn trường hợp này tới 10 cm nhưng may mắn chưa vỡ. Bệnh nhân lại bị tổn thương tim nặng nề và chỉ còn một động mạch vành để nuôi tim. Trường hợp này, phẫu thuật là giải pháp duy nhất để cứu sống, tuy nhiên nguy cơ tử vong cao gấp 10-20 lần so với mổ tim thông thường.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng kỹ thuật ngừng tuần hoàn nửa dưới cơ thể, hạ thân nhiệt (chỉ còn 24 độ C), tưới máu riêng rẽ từng mạch máu nuôi não để phẫu thuật. Áp dụng kỹ thuật này, thân nhiệt bệnh nhân giảm xuống, cơ thể rơi vào trạng thái ngủ đông, nhu cầu chuyển hóa và tiêu thụ oxy giảm tối đa, ngăn cản xuất huyết nội tạng, phù não, nhồi máu cũng như ức chế các chất dẫn truyền gây độc tế bào thần kinh.
Sau ba ngày phẫu thuật, người bệnh được rút nội khí quản, tỉnh táo, chức năng các tạng được duy trì ổn định. Khối phồng động mạch chủ được xử lý triệt để, động mạch vành được tái tạo, van hai lá sau tạo hình và kích thước buồng tim trở lại giống như ở người bình thường.

Hình ảnh khối phồng động mạch chủ (hình A) và động mạch vành trái bị tắc hoàn toàn (hình B) của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phình động mạch chủ ngực thường biểu hiện khi đã có các biến chứng nặng. Triệu chứng hay gặp nhất là đau ngực dữ dội, đau nhiều liên tục ở vùng bụng hoặc phía sau lưng, vã mồ hôi, khối u ở bụng.
Yếu tố nguy cơ hàng đầu là tăng huyết áp và người có tiền sử gia đình mắc bệnh tương tự. Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo bỏ các thói quen sinh hoạt có hại, kiểm soát tốt huyết áp và tình trạng đái tháo đường, mỡ máu. Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Minh An