Sáng 25/8, Bộ Xây dựng phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo khoa học về giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Thoát nước và Quản lý nước thải (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng), chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến hệ thống thoát nước hoạt động chưa hiệu quả, gây úng ngập là nước mưa và nước thải đang được thu gom cùng một hệ thống. Tỷ lệ nước thải được thu gom chỉ 15%.
Tỷ lệ đấu nối, bao phủ của hệ thống thoát nước hiện là 64%, thấp hơn mục tiêu được đặt ra vào năm 2020 là 70%. Trong khi đó, tỷ lệ đường ống thoát nước trên đầu người của đô thị Việt Nam mới bằng 1/4 so với thế giới.
Quá trình bê tông hóa đô thị khiến ao hồ bị san lấp, diện tích thấm nước, lưu trữ nước trong đô thị giảm; các điểm ngập úng cũng nghiêm trọng hơn. Việc đầu tư hạ tầng thoát nước không đồng bộ giữa cũ và mới, thiếu kinh phí khiến công suất thiết kế vẫn chưa đảm bảo điều kiện mưa thực tế.
Dẫn ra các số liệu, ông Khánh cho biết hiện cả Hà Nội và TP HCM không đáp ứng khả năng tiêu thoát nước mưa đối với những trận mưa lớn, hiệu ứng thời tiết cực đoan. Đặc biệt những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, số trận mưa lớn xuất hiện nhiều và có cường độ lớn hơn trước.
Về giải pháp, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho biết về lâu dài, các thành phố sẽ khống chế cao độ nền; quy hoạch, tính toán lại hệ thống thoát nước; cập nhật danh mục ao, hồ, đầm phá không được san lấp để tăng khả năng tiêu thoát nước tự nhiên... Ngoài ra, các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào thoát nước, xây dựng bể chứa lưu trữ, trạm bơm tại các điểm úng ngập cục bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Nhật Bản, ông Tsubasa Hashimoto, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cho biết trong hai giai đoạn 10 năm 1976-1985 và 2012-2021, số trận mưa lớn từ 50 mm đã tăng gần gấp rưỡi, gây ra hai trận ngập úng lớn vào tháng 8/2019 tại thành phố Saga và tháng 7/2020 tại thành phố Omuta.
Để đối phó với biến đổi khí hậu, các thành phố ở Nhật áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, được chia thành hai nhóm là "cứng" và "mềm". Biện pháp cứng bao gồm nâng cấp, xây mới, bảo trì hạ tầng thoát nước, công trình tích trữ, thẩm thấu nước mưa, hệ thống cống, hố ga, các trạm bơm... Biện pháp mềm gồm bản đồ nguy cơ úng ngập, cảnh báo thời gian thực để người dân tự ứng phó, sơ tán khi cần thiết.
Các đô thị ở Nhật cũng đánh giá rủi ro ngập lụt cho từng khu vực để nâng cấp hệ thống chống ngập phù hợp. Đối phó với quá trình biến đổi khí hậu, công suất thiết kế của hệ thống chống ngập úng được tính toán lại cho phù hợp dựa trên số liệu thu thập hàng năm. Chính quyền các địa phương liên tục nâng cao độ chính xác của thiết bị quan trắc, tính kịp thời của công cụ cảnh báo úng ngập.
Về biện pháp dài hơi, ông Tsubasa Hashimoto cho biết các thành phố ở Nhật thường xuyên bảo dưỡng, duy trì hệ thống tích trữ nước, kể cả ao, hồ; xây các đập kiểm soát lũ, đập thủy lợi; đào lòng sông, kéo đê ra xa để tăng lòng dẫn.
Các đô thị cũng thúc đẩy di dời công trình làm ảnh hưởng đến hành lang thoát nước, cảnh báo người dân trước khi thực hiện các giao dịch bất động sản khi khu vực có nguy cơ ngập úng...