Năm 1993, một cặp vợ chồng người Pháp liên doanh cùng Công ty Du lịch Bình Thuận lựa chọn Mũi Né - Phan Thiết làm nơi phát triển dự án nghỉ dưỡng, cũng là resort đầu tiên của Việt Nam. Với lượng khách chủ yếu là người Pháp, Đức và thường lưu trú dài ngày, công suất khai thác phòng tại đây thường đạt trên 90%.
Sự thành công của dự án nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh. Hàng chục khu nghỉ dưỡng đã mọc lên tại Mũi Né như Victoria, Blue Ocean, Seahorse, Saigon Mui Ne... biến những làng chài, đồi cát ven biển dần trở thành địa danh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới.
Dù được đánh thức từ khá sớm, sau 20 năm, bất động sản nghỉ dưỡng Mũi Né - Phan Thiết phát triển chưa đủ mạnh, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các loại hình, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa như bảo tàng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí đặc biệt là về đêm... để phục vụ nhu cầu và níu chân du khách ở lại lâu hơn.
Một nhà đầu tư tại TP HCM cho rằng: "Tại Mũi Né - Phan Thiết, Bình Thuận nhiều resort nhưng manh mún. Nhiều chủ đầu tư bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết của một resort, phục vụ chưa xứng tầm. Các tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, spa, phòng gym... tại resort còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách".
Dần dà, du khách, giới đầu tư gần như quên rằng nơi đây là "thủ phủ resort" nổi danh một thời.
Hạ tầng nâng tầm bất động sản
Với vị thế và tiềm năng đặc biệt, tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã nhìn nhận lại bối cảnh và có những động thái tích cực nhằm thu hút dòng vốn đầu tư trở lại địa phương, trong đó có khu vực Mũi Né - Phan Thiết.
Tỉnh này cũng được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận dự kiến đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới để thu hút thêm du khách. Mới đây, tỉnh đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế đêm nhằm tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho ngành du lịch.
Hàng loạt dự án hạ tầng lớn như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Nha Trang - Phan Thiết, Vũng Tàu - Phan Thiết hay sân bay Phan Thiết chuẩn bị khởi công xây dựng. Trong đó, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chiều dài toàn tuyến 99km, có tổng mức vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6 đã đạt 76,8% khối lượng bàn giao và giải phóng mặt bằng. Tỉnh khẳng định cuối tháng 8 có thể giao mặt bằng để khởi công đoạn cao tốc này.
Bên cạnh đó, Bình Thuận đang triển khai một loạt dự án như đường ven biển phía Nam ĐT.719, ĐT.719B, quốc lộ 28 và quốc lộ 28B (kết nối khu vực Tây Nguyên)... Các công trình khi hoàn thiện sẽ tăng tính kết nối liên vùng giữa Bình Thuận với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, qua đó thu hút đầu tư, tạo bước ngoặt phát triển cho địa phương.
Sức nóng của các dự án hạ tầng giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Mũi Né - Phan Thiết tăng trưởng mạnh thời gian qua. Theo báo Bình Thuận, đến nay địa bàn tỉnh có 387 dự án du lịch đang hoạt động, với tổng diện tích đất 6.249 ha và tổng vốn đầu tư 69.845 tỷ đồng.
Không ít ông lớn nhìn thấy tiềm năng của mảnh đất này và đưa các dự án nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn về đây như: Mũi Né Summerland (Hưng Lộc Phát), Ocean Dunes (Rạng Đông), Hamubay (Trường Hải)...
Trong đó thị trường manh nha những dự án đón đầu chủ trương phát triển "nền kinh tế đêm" của Bình Thuận. Các dự án này tạo ra điểm nhấn du lịch mới, giúp du khách có thêm lựa chọn vui chơi giải trí. Điển hình là khu đô thị nghỉ dưỡng - giải trí Mũi Né Summerland của Công ty Hưng Lộc Phát.
Tọa lạc trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Mũi Né Summerland có quy mô 31,5ha, gồm 60 biệt thự, 332 nhà phố, 251 nhà phố thương mại, hơn 2.000 căn hộ biển và khu khách sạn 5 sao.
Nội khu dự án tích hợp loạt tiện ích như: chợ đêm, phố đi bộ hơn 2.000 mét, công viên nước Summer Ocean Park hơn 20.000 m2 với hàng trăm trò chơi cảm giác mạnh, cùng loạt các chuỗi tiện ích hiện đại khác như quảng trường Summer Square, chuỗi các công viên chủ đề, clubhouse, khu Spa, F&B...
Theo chủ đầu tư Hưng Lộc Phát, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ được quản lý, vận hành bởi các tập đoàn quốc tế nhằm đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả các hạng mục dịch vụ, nâng cao giá trị tài sản cho các chủ sở hữu bất động sản.
Lý giải thêm về việc chọn Mũi Né - Phan Thiết để phát triển dự án quy mô hơn 31ha, chủ đầu tư Hưng Lộc Phát cho biết địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, tuy nhiên trước đó hạ tầng không được coi trọng nên một thời gian "thủ phủ resort" này bị lãng quên trên bản đồ nghỉ dưỡng trong nước.
"Giờ đây khi các công trình giao thông kết nối được mở rộng, Mũi Né - Phan Thiết không thể đứng ngoài sự sôi động của thị trường. Và hơn hết các nhà đầu tư cá nhân, du khách vẫn đánh giá cao tiềm năng tại đây. Vì vậy không có lý do gì mà các doanh nghiệp bất động sản không có mặt để đánh thức vùng đất này", vị này nói.
Với dự án Mũi Né Summerland, đại diện Hưng Lộc Phát cho biết, đến nay toàn bộ hệ thống hạ tầng dự án cơ bản hoàn thiện. Chủ đầu tư kết hợp với hai ngân hàng VietinBank và Vietcombank đứng ra bảo trợ vốn đầu tư phát triển dự án lẫn vốn vay cho khách hàng.
Theo đánh giá của một chuyên viên môi giới địa ốc, Mũi Né Summerland thu hút đông đảo khách hàng nhờ những ưu thế riêng. Trong những đợt mở bán gần đây, giỏ hàng của chủ đầu tư công bố đều nhanh chóng được thị trường hấp thụ và tạo nên những đợt sóng cho cả thị trường bất động sản Phan Thiết.
Giới chuyên gia nhận định, với những chiến lược riêng, du lịch Bình Thuận có nhiều tiềm năng đột phá, hứa hẹn đứng ngang hàng với các địa điểm du lịch hàng đầu cả nước.
Hà Trương