Xóa "nút thắt cổ chai"
Đầu năm 2021, 95,7 km trên tổng số 98,5km chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; trong đó đoạn triển khai đầu tiên là Mai Sơn - quốc lộ 45 đã bàn giao toàn bộ mặt bằng. Đây là tiền đề đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới mục tiêu hoàn thành tuyến đường vào cuối năm 2022.
Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 có ý nghĩa quan trọng, được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển cho xứ Thanh. Trong giai đoạn một, tuyến đường xây dựng 4 làn xe, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 6 làn xe.
Một dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được Thanh Hóa triển khai là tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân khởi công năm ngoái. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2022 giúp việc kết nối sân bay với trung tâm tỉnh trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Có diện tích lớn thứ 5 cả nước và địa hình đa dạng, trải dài từ miền núi, trung du, đồng bằng đến ven biển, song giới chuyên gia cho rằng, hạ tầng giao thông lạc hậu chính là điểm nghẽn khiến kinh tế Thanh Hóa, đặc biệt là du lịch, chưa thể cất cánh.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đột phá về kinh tế với du lịch là ngành mũi nhọn, đưa Thanh Hóa vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, hạ tầng giao thông phải đi trước mở đường.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá trong 5 năm tới. Theo đó, Thanh Hóa xác định trọng tâm đầu tư là các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị để khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Việc hàng loạt dự án hạ tầng đang xuất hiện tại xứ Thanh là bước khởi đầu trên lộ trình thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, tạo lực đẩy cho kinh tế. Cùng với đường bộ, nhiều dự án giao thông khác như quy hoạch Sân bay Thọ Xuân thành CHK quốc tế có chức năng dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài, nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển... sẽ ngày càng hoàn thiện bức tranh giao thông xứ Thanh, thuận lợi cho giao thương vùng miền.
Lợi thế từ hạ tầng giao thông
Giới chuyên gia cho rằng, Quảng Ninh có nhiều kinh nghiệm đầu tư hạ tầng thành công mà Thanh Hóa có thể tham khảo. Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", Quảng Ninh đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân rót vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Đây là tỉnh đầu tiên trên cả nước sở hữu một sân bay tư nhân (cảng hàng không quốc tế Vân Đồn) và cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt nơi có thể đón những siêu du thuyền đẳng cấp nhất thế giới...
Không lâu nữa, Quảng Ninh cũng sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam. Hạ tầng bài bản chính là át chủ bài đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh.
Tham chiếu với Thanh Hóa, địa phương tuy phát triển sau nhưng vẫn có thể bứt phá từ tiềm lực sẵn có. Với những dự án trọng điểm về giao thông đang được triển khai, thời gian di chuyển từ Hà Nội về TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ lái xe. Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân cũng đang được nâng công suất, mở mới nhiều chặng bay tới TP HCM, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng... Di chuyển từ sân bay Thọ Xuân về trung tâm TP Thanh Hóa sẽ mất chưa đầy một giờ.
Xét về lợi thế cạnh tranh, thời gian di chuyển này là giúp Thanh Hóa phát triển mạnh du lịch, thu hút khách từ những thị trường lớn trong cả nước đến khám phá các trọng điểm du lịch của tỉnh như Sầm Sơn, Bến En, Thành Nhà Hồ... Mới đây, Thanh Hóa cũng thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Vạn Thiện đi Bến En dài 12km với tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng. Tuyến đường có vai trò huyết mạch, kết nối từ cao tốc Bắc Nam đến khu du lịch sinh thái Bến En, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của "Hạ Long trên cạn xứ Thanh".
Giao thông thông suốt cũng là tiền đề để Thanh Hóa thu hút giới đầu tư. Bởi lẽ, khi những định kiến về khoảng cách địa lý bị xóa bỏ, trong khoảng 2 giờ lái xe từ Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc những điểm đến thu hút được du lịch và giàu tiềm năng kinh doanh. Lợi thế này cũng góp phần giúp nơi đây phát triển bất động sản.
Ngoài Hạ Long, Sầm Sơn, Thanh Hóa đang vươn lên trở thành sự lựa chọn top đầu. Điểm đến du lịch hấp dẫn từ thời Pháp thuộc này đang được Tập đoàn Sun Group đầu tư dự án khu đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard, bao gồm đa dạng các loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ, trong đó điểm nhấn là quảng trường biển và trục đại lộ trung tâm rộng tới 120 mét.
"Trong bối cảnh du lịch quốc tế còn đóng cửa do Covid-19, du lịch nội địa, nhất là những điểm đến mới lạ tại Thanh Hóa sẽ thu hút đông đảo du khách. Sun Grand Boulevard sẽ góp phần giúp du lịch nơi đây bứt phá", đại diện Sun Group cho hay.
Tâm Anh