Đạo diễn Hà Sơn và một chiếc máy bay được sử dụng trong phim. Ảnh nhân vật cung cấp. |
- Bộ phim "Trung úy" của ông sắp hoàn tất. Ông chuẩn bị thế nào cho việc quảng cáo bộ phim trước khi đưa ra công chiếu?
- Tôi khẳng định, Trung úy của tôi đã trở thành một thương hiệu. Bộ phim này sắp sửa hoàn thành và đang được Công ty BHD đăng ký chào hàng ở nước ngoài. Điện ảnh cũng là hàng hóa và hàng hóa thì phải quảng cáo mới bán được. Tôi sẽ tiếp thị Trung úy bằng mọi cách. Khi tuyển chọn diễn viên cho Trung úy, tôi mời Yến Vy cũng một phần muốn lấy sự câu khách của Yến Vy quảng cáo cho phim và điều đó đã thành công. Tôi xin nhấn mạnh, Trung úy sẽ là bộ phim được tiếp thị ấn tượng, cẩn trọng và có văn hóa nhất từ trước đến nay.
Hiện bộ phim đã hoàn thành những cảnh quay cuối và đang làm hậu kỳ, có thể đưa ra công chiếu trong mùa hè này.
- Tại sao cuối cùng ông quyết định giao vai nữ chính cho Quách An An?
Phim "Trung úy" là câu chuyện về một chàng đặc công có nhiệm vụ đột kích vào sân bay đối phương. Đang gặp khó khăn vì sân bay canh phòng rất nghiêm ngặt, anh tình cờ gặp Si Pha - cô gái chuyên nghề móc nối với binh lính vận chuyển mua bán hàng hóa nên biết các con đường bí mật. Si Pha khao khát được làm vợ, làm mẹ, còn chàng trung úy chấp nhận để cô bắt chồng. Rồi tình yêu cũng đến giữa hai người. Nhiệm vụ hoàn thành, nhưng anh phải trả giá đắt trong cả cuộc đời về sau. Chuyện phim được tái hiện theo lời kể của người con trai trung úy - kết quả của cuộc bắt chồng. |
- Sau Yến Vy, tôi đã liên hệ với Khánh Ly - MC chương trình Dự báo thời tiết, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Lê Thị Hoa - Hoa hậu người Việt tại Đức nhưng người thì chưa qua diễn xuất, người thì gia đình ngăn cản bởi sợ tai tiếng của vai diễn dành cho Yến Vy. Khi tôi bay vào Nam lựa chọn, trong số 8 ca sĩ, người mẫu đến thử vai, nhìn thấy Quách An An, tôi chỉ yêu cầu hãy gửi cho tôi một ảnh khỏa thân nửa trên qua đường bưu điện. Nhưng sau đó, An gọi điện bảo: “Không cần gửi, em tự tin về hình thể của mình”. Vai diễn có những cảnh sex nên yêu cầu diễn viên phải là người “phong nhũ phì đồn”. Bên cạnh đó, phải có một khuôn mặt xinh đẹp nhưng man dại để phù hợp vào vai Si Pha, một cô gái không rõ dân tộc, không rõ cha mẹ, sống ở vùng ngã ba biên giới, chuyên ăn cắp hàng trong sân bay quân sự.
- Còn quá trình chọn người vào vai nam chính, chàng trung úy tên Hà, thì sao?
- Khi tôi mới bắt đầu làm phim, một công ty quảng cáo Hàn Quốc đề nghị giao vai Hà cho một nam diễn viên điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng tôi rất lúng túng không biết phải xử lý thế nào vì như thế kịch bản sẽ phải sửa lại rất nhiều. Ngoài ra, nó sẽ không còn là một bộ phim về chiến tranh Việt Nam nữa. Sau tôi có định mời ca sĩ Quang Dũng và Jennifer Phạm, khi đó mới yêu nhau vào hai vai chính, nhưng cả hai đều chưa qua đào tạo mà thời gian thì không cho phép. Hơn nữa Quang Dũng không hợp với chất trung úy.
Cuối cùng tôi chọn Thiện Tùng - diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, một cái tên mới, không câu khách nhưng cả Thiện Tùng và An An đều vào vai rất đạt, rất nhiệt tình. Khi quay cảnh ân ái, cả hai người, không mảnh vải che thân đã phải thức suốt đêm trên nền đất lạnh của núi rừng Tây Bắc những ngày giáp Tết để chờ bố trí ánh sáng quay. Vậy mà không ai có chút phàn nàn nào cả.
Đạo diễn Hà Sơn hướng dẫn Quách An An - diễn viên đóng vai Si Pha - trong một cảnh quay. Ảnh nhân vật cung cấp. |
- Tại sao ông lại làm đậm yếu tố sex trong một bộ phim về chiến tranh như vậy?
- Xưa nay chúng ta quen với kiểu áp đặt: phim chiến tranh là phim cúng cụ. Ngay từ bộ phim đầu tay là Đồng đội, tôi đã cố thoát khỏi sự áp đặt này. Lịch sử là cái nền, là bối cảnh cho câu chuyện xảy ra mà thôi. Titanic lấy bối cảnh lịch sử là vụ tàu đắm. Cuộc sống tươi đẹp lấy bối cảnh là trại giam của phát xít Đức. Trung úy cũng vậy thôi, bom đạn chỉ là cái cớ.
Tôi làm Trung úy không để tuyên ngôn, không để dạy ai cả. Tôi làm một bản tình ca. Hai người gặp nhau, yêu nhau và như muôn đời giữa họ phải xảy ra quan hệ tình dục. Điều này lý giải cho việc tại sao Trung úy cứ nhất định phải có cảnh sex. Chẳng nhẽ cứ nắm tay nhau là có con? Si Pha vì sợ chàng trai chết, yêu cầu phải bắt chồng. Chàng trai vì nhiệm vụ đột kích vào sân bay phe đối phương phải cho Si Pha bắt chồng để tìm cách vào qua con đường cô gái vẫn lấy trộm hàng. Nó còn là cái cớ cho sự xuất hiện của con trai Si Pha, người kể lại câu chuyện sau này.
Tôi tin những ai xem Trung úy, đặc biệt là giới trẻ, sẽ nghĩ về cha ông họ một cách chân thực, xúc động chứ không mệt mỏi trong cách thần tượng hóa như hiện nay. Đó cũng chính là một trong những lý do tại sao tôi đã viết kịch bản Trung úy từ 1998 nhưng bây giờ mới thực hiện. Tôi chờ sự cởi mở từ phía chính khán giả.
- Kể cả khi khán giả đã cởi mở hơn rất nhiều, họ vẫn có thể sốc trước những cảnh sex quá mạnh bạo. Ông nghĩ sao?
- Những cảnh làm tình trong Trung úy được xử lý hợp lý, tiết chế. Tất cả đến rất từ từ. Lần thứ nhất, Hà đến cho Si Pha bắt chồng. Cả hai người đều không một mảnh vải, nhưng chàng trung úy chưa sẵn sàng về tâm lý, còn bị gánh nặng của nhiệm vụ, nên phải quay về. Lần thứ hai là khi tình yêu đã đến, họ lao vào nhau. Nếu xếp tất cả những cảnh sex của Trung úy vào một cụm, chắc chắn sẽ gây sốc, nhưng nếu sắp đặt, đan xen trong trường liên tưởng thì khác rất nhiều. Khi Hà quấn chặt lấy Si Pha lần đầu tiên thì có một tiếng thét lớn trong màn đêm. Không phải tiếng thét của Si Pha. Đó là tiếng thét của cô giao liên được phẫu thuật gắp ra mảnh đạn. Đầu đạn được gắp ra và máu chảy trên một mảnh vải trắng. Lại đến cảnh làm tình. Tiếp theo đó là cảnh một đoàn quân đen trũi lùi lũi tiến vào màn đêm. Cứ thế, sex của Trung úy ấn tượng ở sự liên tưởng mà không bị đứt đoạn. Khán giả cảm thấy bị hưng phấn và xúc động.
Nhiều phim ngày nay hay mắc lỗi đưa cảnh làm tình hiện đại vào quá khứ. Trung úy cũng bị nhiễm nhưng rất ít. Đó là cảnh hai người hôn nhau. Thời chiến tranh chưa nhiều người biết hôn nhau. Khi là bộ đội, tôi hôn… ngực một cô gái giữa rừng, cô ấy hét ầm lên: “Em buồn lắm”. Chỉ sợ ai bắt được sẽ bị kỷ luật. Đấy, thời tôi là như thế đấy.
Diễn viên Mai Mai đóng vai thứ chính trong "Trung úy". Ảnh: H.S. |
- Vậy trong nhân vật trung úy có bao nhiêu phần trăm hình bóng của ông?
- Trung úy Hà có một phần rất thật của cá nhân tôi và những người đồng đội ở tiểu đoàn 31 trinh sát đặc công chiến đấu ở mặt trận miền Tây. Hơi hướng ký ức chứ không cụ thể là một ai. Tôi từng đột kích sân bay bên kia bằng chính con đường những người dân ăn cắp hàng trong sân bay ra. Đã có những người lính của mặt trận miền Tây ngủ với con gái bản xứ bị tòa án binh kết tội. Hãy nhìn chúng tôi dưới góc độ con người chứ đừng thần thánh hóa chúng tôi.
- Sau phim này, đạo diễn Hà Sơn còn định gây sốc dư luận bằng những dự định gì?
- Sau Trung úy sẽ là Phở và Gọi cá. Phở là số phận đất nước Việt Nam từ sau 1945, dạng phim chính luận dựa trên hai ngọn đèn là ẩm thực và tình dục. Hết sức Việt Nam, hết sức Á Đông. Gọi cá là câu chuyện sau chiến tranh, những người đàn ông, những người đàn bà tìm đến nhau nối lại cuộc tình. Tôi đánh gíá Phở và Gọi cá cao hơn Trung úy. Cứ chờ xem.
Ngọc Trâm thực hiện