Chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản triển khai 9 nhóm biện pháp tăng cường phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, ngành y tế được giao nhiệm vụ duy trì thường trực 24/24 giờ đội phòng, chống dịch cơ động tại các cơ sở y tế, nhằm đảm bảo xử lý kịp thời khi xảy ra tình huống dịch bệnh; giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng; luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh để phát hiện sớm "thần tốc truy tìm dấu vết", khoanh vùng không để lây lan dịch ra cộng đồng.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, giải thích "báo động đỏ" là thuật ngữ thường dùng trong bệnh viện, áp dụng cho những trường hợp tối khẩn cấp, nhằm can thiệp nhanh, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ trong quy trình luôn mở điện thoại 24/24 giờ. Khi nhận được tín hiệu này, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, mọi bộ phận liên quan đều phải có mặt ngay lập tức.
"Thực hiện chế độ báo động đỏ trong phòng dịch, chúng ta có thể hiểu tương tự như vậy. Các đội phản ứng nhanh trực liên tục bất kể ngày đêm, lãnh đạo luôn phải mở điện thoại. Khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, nhân viên y tế sẽ phải có mặt ngay lập tức để đưa bệnh nhân tới bệnh viện, khoanh vùng khử khuẩn, truy vết", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết thêm, thành phố vẫn duy trì 65 đội phản ứng nhanh chống dịch và "sẽ cảnh giác cao độ hơn nữa".
Các quận, huyện ở Thủ đô được giao nhiệm vụ kiểm soát, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tại các khu cách ly, khu dân cư tập trung, nơi công cộng như chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, sân bay...
Hà Nội tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn.
Trường hợp xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương cần thực hiện giãn cách xã hội với khu vực nguy cơ cao, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo quan sát những ngày qua, nhiều nơi ở Hà Nội đã siết chặt hơn việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch; tuy nhiên tình trạng không đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn phổ biến.
Tại bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), ban quản lý lập hai chốt kiểm soát ở nhà chờ. Mỗi hành khách trước khi lên xe đều phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang. Nhà xe được yêu cầu ghi lại thông tin cá nhân của từng hành khách để phòng trường hợp cần truy vết... Hàng chục lọ nước rửa tay khô được đặt dọc hành lang bến xe. Khách lên xe vẫn ngồi sát nhau, không giãn cách.
"Các biện pháp phòng dịch ở bến xe được duy trì từ đầu năm. Cách đây hai tuần, theo chỉ đạo của thành phố, việc này được siết chặt hơn", ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm, 48 tuổi, một người bán bánh mỳ ở bến xe Giáp Bát, cho hay một tuần nay bà mua thêm khẩu trang để bán lẻ cho khách. "Trung bình mỗi ngày tôi bán được 20 khẩu trang với giá 3.000 đồng mỗi chiếc", bà Tâm nói.
Tại công viên Tuổi Trẻ, chính quyền phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) dã dựng lều bạt lập trạm xử lý vi phạm về phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, ghi nhận chiều 2/12 cho thấy trong trạm chỉ kê bàn ghế mà không có lực lượng ứng trực. Nhiều người dân đi dạo, tập thể dục ở công viên này không đeo khẩu trang.
Ông Trần Thanh Tùng, 65 tuổi, phường Thanh Nhàn nói "tôi biết quy định phải đeo khẩu trang đến nơi công cộng nhưng đi bộ nhiều rất khó thở. Tôi đi một mình và cố gắng cách xa người xung quanh".
Ghi nhận ở một số siêu thị lớn và chợ truyền thống trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Ba Đình..., cũng cho thấy nhiều người dân đến mua bán không đeo khẩu trang. Một số cơ sở không bố trí nhân viên đứng kiểm tra thân nhiệt khách hàng.
Tại chợ đầu mối phía nam Hà Nội, những tấm biển lớn nhắc nhở người dân đeo khẩu trang được dựng lên ngoài cổng, song nhiều người dân không chấp hành.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 2/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong phòng, chống Covid 19 và cam kết "nếu Hà Nội mà bung, mà toang thì tôi chịu trách nhiệm".
Đến nay Hà Nội đã qua 106 ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Tất Định - Võ Hải - Phạm Tuấn