Thống kê của Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 634 người mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 28/30 quận huyện. Ba xã có nhiều bệnh nhân nhất gồm Tam Hiệp với 182 ca, Khánh Hà 48 ca, Thanh Thùy 44 ca.
Sở Y tế đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên xu hướng tăng nhanh chóng trong 3 tuần gần đây, có khả năng bùng phát thành dịch. Vì vậy, Sở Y tế khuyến cáo thực hiện ngay các hoạt động phòng, chống bệnh gồm diệt bọ gậy tại tất cả hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, thị trấn có ổ dịch. Với các khu vực có bệnh nhân, cán bộ phòng dịch sẽ tới từng nhà, kiểm tra chặt để diệt bọ gậy.
Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết sốt xuất huyết vào mùa từ tháng 6 và sẽ đạt đỉnh vào tháng 8. Trong thời gian này, các ca sốt xuất huyết sẽ tăng.
Sốt xuất huyết lây qua đường muỗi đốt. Loài muỗi này sinh sôi khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, ở khu vực đông dân cư, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Thời gian ủ bệnh 1-2 tuần, triệu chứng ban đầu gồm sốt cao, đau mỏi người, đau nhức hốc mắt. Sốt xuất huyết nặng hơn vào ngày thứ 5, có thể gây rối loạn đông máu, tụt huyết áp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi mắc bệnh sẽ dễ trở nặng nên cần theo dõi sát.
Để phòng sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo người dân đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, nuôi cá diệt trong thùng chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa và thường xuyên phun hóa chất, phát quang bụi rậm. Các vật liệu phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ... cần loại bỏ để muỗi không trú ngụ, đẻ trứng.
Nên ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt cả ban ngày và ban đêm. Khi cơ quan y tế tới phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, người dân cần chủ động phối hợp.
Chi Lê