Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp, Sở GTCC, trước mắt, Sở sẽ tiến hành thay thế xe buýt lớn đi trên địa bàn phố cổ - những tuyến đường có chiều rộng dưới 8m. Trong quý 1/2008, các đơn vị vận tải khách công cộng sẽ tiến hành thay thế xe buýt tuyến số 8, 9, 14, 31, 33, 98.
![]() |
Xe buýt lớn được coi là phương tiện gây ô nhiễm và ùn tắc giao thông. Ảnh: Hoàng Hà |
Hiện xe buýt Hà Nội có 57 tuyến nội đô với 309 xe buýt lớn (80 chỗ), 43 xe trung bình (45 chỗ), 165 xe buýt nhỏ (24-30 chỗ). Xe buýt và taxi là phương tiện công công hiện đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.
Bên cạnh việc thay thế xe buýt, Sở GTCC Hà Nội cũng lên phương án đưa đón học sinh đi học bằng phương tiện công cộng thay việc phụ huynh đưa đón bằng xe cá nhân như hiện nay. "Nếu thành phố đồng ý trợ giá thì học sinh cấp 1, 2 có thể được miễn phí đưa đón", ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Trước đó, trả lời VnExpress, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, hiện nay chúng ta đang cố gắng tăng cường phương tiện công cộng, nhưng chính sự cồng kềnh của xe buýt lại gây cản trở giao thông dẫn đến ùn tắc. Xe buýt giúp giảm số lượng xe lưu thông nhưng lại gây ùn tắc hơn so với nhiều phương tiện nhỏ.
"Thành phố đang nghiên cứu 2 phương án. Thứ nhất, toàn bộ xe buýt lớn chạy ra tuyến ngoại thành, xe buýt nhỏ quay trở lại nội thành. Nếu thiếu trong nội thành thì sẽ bổ sung, tăng các loại xe buýt nhỏ, hiện đại. Mục đích để giảm các loại xe lớn, cồng kềnh. Thứ hai, một số tuyến phố nhỏ sẽ cấm xe buýt hoạt động như Hàng Bông, Hàng Gai", ông Thảo nói.
Theo khảo sát trên VnExpress, trong số 11.517 phiếu, có gần 50% ý kiến đề xuất cấm xe buýt lớn trong nội thành.
![]() |
Khảo sát ý kiến độc giả trên VnExpress từ 30/10 đến 27/11. |
Đoàn Loan