Sáng 17/11, tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, một số cử tri quận Hoàn Kiếm bày tỏ bức xúc về công tác quản lý hoạt động kinh doanh karaoke dẫn tới vụ cháy ở Cầu Giấy, làm 13 người chết.
Ông Phạm Trọng Biển (cử tri phường Trần Hưng Đạo) nêu vấn đề, không biết công tác cấp phép loại hình kinh doanh có điều kiện như karaoke thế nào mà khi xảy ra cháy mới phát hiện quán karaoke không phép. “Cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ cháy quán gây hậu quả nghiêm trọng", ông Biển đặt câu hỏi.
Cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy chưa tốt, cử tri Nguyễn Văn Hồi (phường Hàng Gai) đề nghị tăng cường công tác thanh tra để không còn những sự cố đau lòng. “Phải làm sao để mọi công tác có tính bền vững, chứ không phải cháy xong rồi mới đi kiểm tra; xe chở hàng cồng kềnh làm chết người mới đi dẹp; cá hồ Tây chết hàng loạt mới tìm giải pháp khắc phục…”, ông Hồi nói.
Phản hồi ý kiến cử tri, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung thông tin, Thường trực Thành ủy đã họp xem xét trách nhiệm quản lý đối với UBND quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu và một số cán bộ quản lý khác.
“Quan điểm của thành phố trong thời gian tới sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan có trách nhiệm liên quan đến cấp phép như Sở Văn hóa; Sở Cảnh sát PCCC, Sở Công an…”, ông Chung nói và cho biết sẽ công khai kết quả xử lý tập thể, cá nhân liên quan.
Trước đó ngày 1/11, quán karaoke số 68 trên phố Trần Thái Tông bốc cháy, lan ra 3 nhà lân cận. Sau hơn 6 tiếng, hỏa hoạn được dập tắt, 13 người tử vong. Mặt tiền 4 căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhiều xe máy và ôtô hư hỏng.
Sau vụ cháy, thành phố Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng cấp phép karaoke trên toàn thành phố; UBND quận Cầu Giấy tạm thời đình chỉ hoạt động karaoke trên địa bàn để kiểm tra các điều kiện kinh doanh; Công an thành phố khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra trách nhiệm liên quan đến vụ cháy.
Muốn làm sạch Hồ Tây phải hút hàng triệu tấn bùn Trả lời ý kiến cử tri về khắc phục ô nhiễm các hồ, lãnh đạo Hà Nội cho hay, khu vực nội đô và các huyện hiện có khoảng 1.300 hồ, trong đó 117 hồ ô nhiễm rất nặng (gồm cả hồ Tây và Hoàn Kiếm). Thành phố đã mời các chuyên gia Đức nghiên cứu và có chế phẩm để cải tạo chất lượng nước hồ. Công việc thử nghiệm đã hoàn thành. Thời gian tới sẽ xử lý chất lượng nước hồ trên diện rộng. Với sự cố ở hồ Tây, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố và Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ sớm có kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt. Bên cạnh đó, thành phố đã mời các công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát đánh giá “đúng là hồ Tây đang có vấn đề”. Muốn làm sạch phải nạo vét hàng triệu tấn bùn; thu gom nước thải xả xuống hồ, hiện còn 8 cửa xả chưa được xử lý. |
Võ Hải