Cụ thể: vị trí tại khu đô thị mới Pháp Vân diện tích 4,2ha, khu đô thị Mỹ Đình 2 diện tích 1,7ha và và khu đô thị Xuân Đỉnh với 1,7ha. Các dự án này sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 23.000 sinh viên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quy hoạch, xây dựng tỏ ra e ngại khi triển khai các dự án này. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng, phải tính toán việc các trường đại học di dời khỏi nội thành thì các ký túc xá sử dụng ra sao. Ngoài ra, ký túc xá cần có các công trình phụ trợ như phòng đọc sách, thể thao, căng tin... không chỉ là nơi để ở, liệu diện tích đất tại các khu đô thị có đáp ứng yêu cầu. Theo ông Nghiêm, xây dựng nhà sinh viên theo cụm trường đại học sẽ thích hợp hơn, dựa theo quy hoạch Hà Nội mở rộng đang được lập.
Đề cập tình trạng quá tải hạ tầng tại các khu đô thị mới khi triển khai ký túc xá sinh viên, đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc xây dựng ký túc xá tại các khu đô thị mới là việc làm trước mắt, cấp thiết để giải quyết chỗ ở cho sinh viên hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã cho phép các dự án nhà xã hội được điều chỉnh hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần. Do vậy, các dự án ký túc xá tại Hà Nội cũng đã được điều chỉnh về hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng song không đạt đến chỉ tiêu của Bộ đưa ra.
3 khu ký túc xá sinh viên ở Hà Nội sẽ nằm trong các khu đô thị mới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục các dự án ký túc xá sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu. Trong đó, Hà Nội sẽ được đầu tư 625 tỷ đồng, còn TP HCM là trên 800 tỷ đồng. Đây là 2 thành phố có lượng vốn trái phiếu được đầu tư mạnh nhất trong cả nước để xây dựng ký túc xá sinh viên.
Tuy nhiên, ông Ninh cho biết, nếu các thành phố không phê duyệt dự án ngay trong tháng 9 thì Bộ Xây dựng sẽ phân bố nguồn vốn cho các địa phương khác.Theo dự báo đến năm 2015, tổng số sinh viên tại Hà Nội đạt khoảng 1 triệu người, trong đó khoảng 600.000 sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá, tương đương với 75.000 căn hộ, với tổng kinh phí là 26.100 tỷ đồng.
Trước đó, UBND Hà Nội cũng đã chấp thuận 9 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp do các doanh nghiệp đầu tư. Đó là các dự án nằm trên một số lô đất tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; khu đô thị mới Thanh Lâm, huyện Mê Linh; khu ngoại giao đoàn, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm; tại khu tái định cư Kiến Hưng, quận Hà Đông; khu Sài Đồng, quận Long Biên; khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên; xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm; xã Cổ Bi và Đặng Xá, huyện Gia Lâm và quận Hà Đông...
Đoàn Loan