Sáng 30/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết thành phố đang kiến nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện tinh giản.
"Cán bộ, công chức tự nguyện xin nghỉ, làm việc khác thì nhà nước có cơ chế hỗ trợ nào khác không; người ở lại có hỗ trợ người đi ra không? Mô hình này đã được một số nước thực hiện và rất nhân văn", Bí thư Hà Nội nói.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản nêu 4 cơ chế đặc thù xin ý kiến Thủ tướng để thực hiện chủ trương khuyến khích việc tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.
Các nhóm được dự kiến tự nguyện tinh giản biên chế gồm cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong một năm qua, năng lực hạn chế; các trưởng, phó đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 3 năm... Những người trong diện tự nguyện tinh giản biên chế có thể được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Bí thư Hà Nội, trước đây khi thành lập bộ phận mới "ai cũng phấn khởi vì thêm phòng, thêm ban, thêm công ăn việc làm". Do vậy, khi tinh giản, sắp xếp lại thì nhiều người sẽ tâm tư vì từ cấp trưởng xuống phó, bị luân chuyển hay về hưu.
"Tôi đang trưởng phòng lại bảo tôi xuống làm phó, làm nhân viên thì người ta sẽ suy nghĩ bởi còn gia đình, vợ con. Nên phải làm sao để họ hiểu, chia sẻ với mình, thậm chí giải thích với cả gia đình của cán bộ, công chức", ông Hải nói.
Bí thư Hà Nội cho rằng, trong công tác sắp xếp nhân sự, hôm nay làm chức này, ngày mai làm chức khác là chuyện bình thường, đó không phải bị kỷ luật mà do yêu cầu công việc.
Ông Hải dẫn chứng, một cơ quan trước đây có 6-8 Phó ban, Phó giám đốc, tới khi được sắp xếp lại thì một số cấp phó về làm chuyên gia giúp việc cho Giám đốc mới, các phó ban có "tâm tư một tí nhưng cũng vui vẻ".
"Như vậy ở đây quan trọng phải minh bạch, làm tốt việc tuyên truyền để cán bộ công chức thấy sắp xếp bộ máy là hợp lý, hợp tình và cùng chia sẻ, hy sinh vì lợi ích chung", ông nói.
Lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội khẳng định quá trình vừa qua, thành phố tiến hành các công việc liên quan "một cách minh bạch nên anh em không tâm tư". Sau khi sắp xếp, số người làm việc ít đi nhưng hiệu quả công việc tốt hơn, đặc biệt giảm được các đầu mối.
Theo Thành uỷ Hà Nội, tính đến tháng 8/2017, thành phố đã giảm 59 phòng, ban; 39 trưởng phòng, ban; 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ và giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các cơ quan này. Cùng với đó, toàn thành phố đã giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ cho 330 trường hợp. Khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố sau khi xây dựng đề án vị trí việc làm cũng giảm 108 biên chế. Thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy: 4/5 đơn vị sự nghiệp thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã hoàn thành phương án sắp xếp, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; thực hiện chủ trương chấm dứt tổ chức hoạt động của hội nông dân cấp quận, cấp phường tại 7 quận trong năm nay... |
Võ Hải